Bệnh cúm mùa ở Nhật Bản khiến Từ Hy Viên qua đời nguy hiểm thế nào? Cách phòng ngừa bệnh cúm mùa hiệu quả Nhiều người nhầm cảm cúm và cúm mùa khiến bệnh trở nặng |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Lý do số ca mắc cúm gia tăng
Theo thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442).
Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 8 bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO, bệnh nhân mắc bệnh cúm trên nền bệnh lý khác.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một số ca mắc cúm nặng. Cũng trong những tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại của Bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A (được khẳng định bằng xét nghiệm) tới khám. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn mùa đông xuân, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...
Đặc biệt, số ca mắc bệnh cúm gia tại những bệnh viện lớn có khả năng liên quan tới việc di chuyển nhiều cũng như thay đổi điều kiện sinh hoạt trong giai đoạn Tết vừa qua của người dân. Sau dịp Tết, khi quay trở lại công việc, mọi người di tản tới các địa điểm khác nhau tại nhiều địa phương và dịch cúm có "cơ hội" lây truyền ở môi trường làm việc và gia tăng số ca mắc trong cộng đồng.
Người nào cần đặc biệt chú ý đề phòng?
Bệnh cúm mùa (seasonal flu) đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi vi rút cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm với hàng trăm triệu người mắc và có thể tử vong cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Ngoài ra, cúm gia cầm A/H5N1 được ghi nhận với tỷ lệ tử vong rất cao, tuy nhiên cúm gia cầm ít lây truyền từ người sang người.
Nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch,.. Ở trên người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như là sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì vi rút sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.
Biện pháp hiệu quả phòng chống cúm mùa là tiêm vaccine
Tổ chức Y tế thế giới và các Hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... đưa ra khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh. Vaccine cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được vi-rút khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng vaccine cúm cần nhắc lại hàng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.
Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu mắc cúm mùa cần phải được theo dõi chặt chẽ, vì vi-rút cúm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai có thể gây dị dạng thai. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm, kể cả khi đã có thai vẫn có thể tiêm được vaccine cúm.
Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine. Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: Tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vệ sinh môi trường như tránh không khí ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vệ sinh bề mặt, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
![]() |
![]() |
![]() |