Cúm mùa bùng phát nghiêm trọng, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân? Một học sinh lớp 7 ở Quảng Ninh tử vong nghi do cúm A Dịch cúm bùng phát, trẻ ở nhà hay đi học dễ mắc bệnh hơn? |
Tuyệt đối không chủ quan khi chăm sóc trẻ mắc cúm
![]() |
Dù người trưởng thành, đang khỏe mạnh chăm sóc trẻ bị cúm cũng tuyệt đối không chủ quan. |
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm hay còn gọi là cúm mùa không có sự khác biệt về chủng cúm giữa trẻ em và người lớn. Theo đó, virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 tuýp (chủng) A, B và C. Trong đó, cúm A và cúm B thường mắc ở người và dễ gây biến chứng nguy hiểm, cúm C ít gặp và ít có biểu hiện hơn.
Hiện nay, các phân tuýp kháng nguyên của virus cúm A đang lưu hành trên toàn cầu là A/H1N1 và A/H3N2 xen kẽ nhau hoặc một trong hai tuýp chiếm ưu thế tuỳ từng nơi.
Virus cúm B biến đổi chậm hơn vi rút cúm A, do đó chỉ có một tuýp huyết thanh và không gây những đợt dịch lớn, với chu kỳ dịch từ 5-7 năm. Virrus cúm C gây ra các trường hợp tản phát với triệu chứng lâm sàng không điển hình và các vụ dịch nhỏ ở địa phương.
Hàng năm virus cúm có thể sẽ có sự biến đổi, thay đổi độc lực, vì thế các nhà khoa học sẽ nghiên cứu, từ đó có sự điều chỉnh trong việc sản xuất vắc xin phòng bệnh cúm, nhằm phòng bệnh được tốt hơn. Cục Y tế Dự phòng cho biết, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, vẫn chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng, cúm là bệnh lây lan nhanh và gây thành dịch ở nhiều mức độ khác nhau. Tỷ lệ tấn công của bệnh cúm là 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Không phải ai mắc cúm cũng nguy hiểm, nhưng không vì thế mà chủ quan trước căn bệnh tưởng chừng đơn giản này. Do vậy, việc chủ động phòng bệnh là rất quan trọng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người cho rằng, trẻ mắc cúm mới nguy hiểm, còn người trưởng thành không đáng lo ngại. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Sở dĩ nhiều người trưởng thành chăm sóc trẻ mắc cúm, nhưng bản thân không mắc hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ như sốt, đau đầu, mệt mỏi là do người lớn có sức đề kháng tốt hơn trẻ nhỏ.
Nhưng có không ít người, dù khỏe mạnh nhưng khi mắc cúm vẫn gây biến chứng nặng, nhất là những người có bệnh lý nền nhưng không biết. Vì thế, dù người trưởng thành, đang khỏe mạnh chăm sóc trẻ bị cúm cũng tuyệt đối không chủ quan, cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Thậm chí, ngay cả với nhân viên y tế cũng có những khuyến cáo phòng bệnh khi chăm sóc trẻ hoặc người mắc cúm.
Cách bảo vệ trẻ khi nhà có người lớn mắc cúm
![]() |
Khi một trong bố, mẹ mắc cúm, việc cách ly người bệnh với trẻ là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị lây nhiễm. |
Bố mẹ thường xuyên phải ra ngoài làm việc, tiếp xúc với nhiều người, di chuyển trong các môi trường công cộng, dễ dàng tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cúm. Chính vì vậy, khả năng họ bị mắc cúm và mang virus về nhà là điều không thể tránh khỏi. Để bảo vệ con trẻ, giảm thiểu tối đa sự lây lan của virus, các bậc phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa hợp lý và chặt chẽ.
Khi một trong bố, mẹ mắc cúm, việc cách ly người bệnh với trẻ là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị lây nhiễm. Cúm là một bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, do đó, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và trẻ là vô cùng cần thiết. Nếu có thể, nên cho người bệnh ở trong phòng riêng, không sử dụng chung các vật dụng như: khăn mặt, chén bát hay đồ dùng cá nhân với trẻ.
Nếu không có khả năng cách ly hoàn toàn, cần cố gắng giữ khoảng cách an toàn, tránh để trẻ tiếp xúc gần với người bệnh trong suốt thời gian này. Các bậc phụ huynh cần nhớ rằng, càng ít tiếp xúc với người mắc cúm, trẻ càng ít có nguy cơ bị lây bệnh. Bên cạnh việc cách ly về mặt không gian, việc hạn chế tiếp xúc cũng cần được áp dụng trong các tình huống khác, chẳng hạn như ôm ấp hoặc hôn trẻ.
Khi trong nhà có người lớn mắc bệnh, có thể xem việc đeo khẩu trang là một biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm. Virus cúm có thể được phát tán qua những giọt nước bọt khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí khi nói chuyện. Vì vậy, việc đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp giữa các giọt bắn của virus và không khí, từ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 03 tuổi hoặc những bé không thể tự đeo khẩu trang, các bậc phụ huynh cần tự bảo vệ mình và cố gắng hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Người bệnh nên đeo khẩu trang liên tục khi ở trong nhà, ngay cả khi chỉ tiếp xúc với người chăm sóc. Ngoài ra, việc thay khẩu trang sau vài giờ và giữ vệ sinh khẩu trang sạch sẽ cũng rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa. Bố mẹ cũng cần dặn dò trẻ không được sờ vào khẩu trang khi đang đeo và rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Chúng ta đều biết rằng, virus cúm có thể bám trên các bề mặt như: tay nắm cửa, mặt bàn, điện thoại, điều khiển từ xa hay các vật dụng khác trong gia đình. Vì vậy, việc thường xuyên khử khuẩn các bề mặt này là rất cần thiết để ngăn ngừa sự phát tán của virus. Các sản phẩm xịt sát khuẩn có thể giúp tiêu diệt virus và vi khuẩn có trên bề mặt, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho trẻ em cũng như các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý những khu vực mà mọi người trong gia đình thường xuyên sử dụng, chẳng hạn như: bếp, phòng khách, phòng tắm hay các khu vực có thể tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Bên cạnh việc khử khuẩn các bề mặt, các vật dụng cá nhân như: bàn chải đánh răng, khăn mặt cũng cần được vệ sinh sạch sẽ và không dùng chung. Với những trẻ có nhiều đồ chơi, việc xịt khuẩn và khử trùng thường xuyên là điều cần thiết để ngăn chặn bệnh cho trẻ.
Cảm cúm và các bệnh lý liên quan đến hô hấp thường phát triển mạnh mẽ hơn khi cơ thể không được giữ ấm đúng cách, đặc biệt là vào các thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhiệt độ. Việc giữ ấm đúng cách giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động hiệu quả hơn và giúp cơ thể có sức đề kháng tốt để chống lại sự tấn công của virus.
Mọi người thường có thói quen sử dụng khăn giấy khi ho, hắt hơi hoặc lau mũi, virus cúm có thể lây lan qua các giọt bắn trong không khí, nếu không sử dụng khăn giấy đúng cách, những giọt nước bọt có thể rơi lên bề mặt và lây nhiễm cho những người xung quanh. Do đó, Khăn giấy sau khi sử dụng cần được vứt ngay vào thùng rác kín và không để bừa bãi trong nhà.
Mặc dù các biện pháp phòng ngừa giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cúm, nhưng việc theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ vẫn là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Khi sống chung với người mắc cúm, trẻ có thể có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc đúng cách. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ và quan sát các dấu hiệu bệnh như: ho, sốt, mệt mỏi, đau họng, hoặc sổ mũi. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.