Những lưu ý giúp người có bệnh nền tim mạch vượt qua mùa cúm Vì sao bị cúm nặng có thể gây “phổi trắng”? Bác sĩ khuyến cáo Tamiflu không có tác dụng điều trị cúm B, cúm C |
Số ca cúm nặng gia tăng
![]() |
Số ca nhiễm cúm tại Mỹ tăng cao trong năm nay. |
Nhiều nước trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm cúm tăng đột biến thời gian gần đây. Tình hình bệnh cúm 2024-2025 đang diễn biến phức tạp với mức độ nghiêm trọng tăng cao.
Tại Bỉ, số ca mắc cúm gia tăng đáng kể khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng báo động. Số lượt khám vì các triệu chứng giống cúm đã tăng gấp đôi so với đỉnh điểm của mùa cúm trước. Nhật Bản cũng đang đối mặc với đợt dịch cúm tồi tệ nhất trong 25 năm, với 317.812 ca được ghi nhận tại 5.000 cơ sở y tế trong tuần cuối năm 2024.
Mỹ cũng đang trải qua dịch cúm tồi tệ nhất trong 15 năm qua và số ca mắc chưa có dấu hiệu giảm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Mùa cúm năm nay, nước Mỹ đã báo cáo ít nhất 24 triệu ca bệnh, 310.000 ca nhập viện và 13.000 ca tử vong. Số ca tử vong do mắc cúm hàng tuần tại Mỹ đã vượt qua số người chết vì nhiễm Covid-19 vào tháng 3/2020.
Tiến sĩ Buddy Creech, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho biết: "Tại Mỹ, cứ vài năm một lần, lại xuất hiện một chủng cúm đặc biệt khó kiểm soát. Năm nay, hai chủng cúm A - H1N1 và H3N2 - đang gây ra tình trạng dịch cúm nghiêm trọng. Điều bất thường là cả hai xuất hiện với tỷ lệ gần như ngang nhau".
Trong khi đó, tại Nhật Bản - nơi “đại S” Từ Hy Viên qua đời sau khi mắc cúm mùa, cúm A H1N1 đang hoạt động mạnh mẽ nhất sau 25 năm. Bộ Y tế nước này ghi nhận khoảng 9,5 triệu ca cúm từ tháng 9/2024 đến cuối tháng 1 năm nay. Các khu vực đông dân như Tokyo, Osaka và Fukuoka bị ảnh hưởng nặng nề.
Bộ Y tế công cộng Thái Lan hôm 17/2 cảnh báo, dịch cúm đang lây lan nhanh chóng với 4 tỉnh ở vùng Đông bắc nước này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin, số ca nhiễm đang tăng mạnh trong tháng 2 này. Tính đến ngày 15/2, tổng số ca nhiễm đã tăng lên 99.057 ca với 9 trường hợp tử vong.
Số liệu từ Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho thấy, số ca cúm ở Thái Lan đã tăng đều đặn từ khoảng 472.000 ca vào năm 2023 lên 668.000 ca vào năm ngoái. Với đà lây lan hiện tại, số ca cúm năm nay có thể còn cao hơn. Hiện tại, chủng virus chính đang lưu hành tại Thái Lan là H1N1.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca mất mạng. Mặc dù, số ca mắc bệnh cúm giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442 ca), nhưng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội số ca mắc cúm nặng có xu hướng gia tăng. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho 8 bệnh nhân nhiễm cúm, thậm chí, có trường hợp phải sử dụng đến biện pháp can thiệp ECMO.
Vì sao dịch cúm nghiêm trọng hơn?
![]() |
Các khu vực miền năm nay trải qua những đợt rét đậm, kèm theo độ ẩm cao, tạo điều kiện lý tưởng cho virus cúm phát triển và lây lan mạnh mẽ hơn. |
TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mặc dù không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng đại dịch Covid-19 cũng góp phần làm thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các biện pháp phòng chống Covid-19, sự tiếp xúc giữa con người và virus cúm đã giảm mạnh. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang giúp ngăn chặn sự lây lan của nhiều bệnh truyền nhiễm, nhưng đồng thời cũng làm suy yếu hệ miễn dịch cộng đồng đối với virus cúm.
"Đợt dịch Covid kéo dài từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2022 không chỉ khiến bệnh cúm trở nên phức tạp hơn mà còn khiến nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây ít gặp như: sởi, thủy đậu, tái bùng phát. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng nặng đã gia tăng rõ rệt. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong dịp Tết vừa qua, đã ghi nhận 14 ca mắc sởi, trong đó có tới 8 ca gặp biến chứng nặng về đường hô hấp. Đây là con số cao chưa từng xuất hiện trong các giai đoạn trước”, bác sĩ Lê Quốc Hùng chia sẻ.
Trong trường hợp muốn phòng bệnh cúm, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccine, tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, các chương trình tiêm chủng cúm chưa được phổ biến rộng rãi như vaccine phòng Covid-19, dẫn đến nhiều người vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ trước virus cúm. Mặt khác, bản thân virus cúm có khả năng thay đổi, đột biến liên tục, tạo ra các chủng mới. Quá trình đột biến gen (Antigenic Drift) làm thay đổi cấu trúc các kháng nguyên của virus, đặc biệt là protein Hemagglutinin (H), Neuraminidase (N) làm cho hệ miễn dịch tự nhiên và vaccine giảm hiệu quả.
Thời tiết năm nay lại có sự biến đổi mạnh mẽ, đặc biệt là vào mùa đông - xuân, các khu vực miền năm nay trải qua những đợt rét đậm, kèm theo độ ẩm cao, tạo điều kiện lý tưởng cho virus cúm phát triển và lây lan mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, sự gia tăng của các chủng cúm A độc lực cao như: A/H3N2, A/H1N1, cũng góp phần làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở người cao tuổi. Mặc dù mùa cúm năm nay chưa ghi nhận được chủng cúm nào vượt trội, nhưng theo bác sĩ Hùng, tỷ lệ nhiễm cúm A/H3N2 có xu hướng tăng lên, góp phần làm bệnh nặng hơn.
Ngoài yếu tố môi trường như: ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn (PM2.5), khiến cho sức khỏe của người dân yếu đi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm; các yếu tố cá nhân như: bệnh lý nền, tuổi tác, trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc người già đã suy giảm theo tuổi tác có khả năng phục hồi sau khi nhiễm cúm kém cũng dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
“Người mắc các bệnh mạn tính như: tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có nguy cơ cao bị biến chứng khi mắc cúm. Hệ miễn dịch của họ bị suy yếu, khiến cơ thể khó chống lại virus cúm. Bên cạnh đó, người lớn tuổi và trẻ nhỏ cũng thuộc nhóm dễ mắc cúm nặng và có nguy cơ biến chứng cao”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nhận định.
Điều đáng quan ngại hiện nay là nhiều bệnh nhân do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết đã tự điều trị tại nhà thay vì đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến nặng trước khi được can thiệp y tế. Những biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, suy hô hấp nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, không chỉ gây bệnh do virus cúm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiễm trùng khác. Virus cúm làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, cơ thể trở nên dễ bị tấn công bởi vi khuẩn gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Thêm vào đó, sự đồng nhiễm với các virus khác như SARS-CoV-2, virus hợp bào hô hấp (RSV) hay adenovirus có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Để giữ an toàn cho bản thân giữ lúc tình hình bệnh cúm diễn biến phức tạp, bên cạnh biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccine cúm hàng năm tiêm tăng cường miễn dịch cho cơ thể, bác sĩ Hùng khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và tránh tiếp xúc với người bị cúm. Nếu phát hiện bản thân có dấu hiệu của bệnh cúm như: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, tức ngực, khó thở,... người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.