Sản lượng giảm một nửa, giá tiêu tuần này có khởi sắc? Khám phá ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, lộng lẫy như cung điện ở Sóc Trăng Nộm da trâu - đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến Mộc Châu |
Hai trẻ ở Bình Phước tử vong do ho gà
Tối 15-2, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng (Bình Phước) xác nhận ca tử vong thứ 2 do mắc bệnh ho gà trên địa bàn là bé gái 7 tháng tuổi. Bệnh nhi là bé T.A.V., ngụ xã Đắc Nhau, huyện Bù Đăng.
Theo báo cáo, ngày 5-1, bệnh nhi có những triệu chứng ho kéo dài từng cơn, sốt nhẹ. Hai ngày sau các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, mẹ bé đưa con đi khám ở phòng khám tư nhân và được chẩn đoán bị viêm phế quản, lấy thuốc về uống.
Sau thời gian điều trị tại nhà, tình trạng của bệnh nhi càng nặng hơn, bé mệt, bú ít và cơn ho kéo dài hơn. Ngày 11-1, bệnh nhi được đưa đến Trung tâm Y tế Bù Đăng khám với chẩn đoán viêm phổi nặng. Bệnh nhi được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước điều trị.
Tại đây bé không còn bú được mà chỉ thở oxy. Ngay trong tối, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) và được bố trí điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt với chẩn đoán viêm phổi nặng, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, ho gà, giãn não thất.
Đến ngày 5-2, tình trạng của bé không tiến triển, bệnh viện trả về và sau đó bé đã không qua khỏi.
Đây là ca thứ 6 mắc bệnh ho gà ghi nhận tại huyện Bù Đăng và là ca tử vong thứ 2 tại Bình Phước. Trước đó, cuối tháng 12-2024, bệnh nhi P.T.T.N. (2 tháng tuổi, ngụ xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng) tử vong sau một tuần điều trị bệnh ho gà.
![]() |
Ho gà là bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa) |
Biểu hiện bệnh ho gà
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho. Chính vì vậy, bệnh ho gà ở trẻ em rất dễ lây lan khi ở cùng một không gian như trường học, nhà ở...
Gọi là ho gà vì trẻ ho có tiếng rít như tiếng rít của con gà trống khi gần hết tiếng gáy. Vi khuẩn ho gà khi vào đường hô hấp sẽ bám vào các nhung mao của cơ quan này, sinh sản và giải phóng ra độc tố, làm tổn thương nhung mao, gây viêm và hoại tử. Các tổ chức hoại tử giải phóng ra chất histamin gây kích thích cực độ đường hô hấp dẫn đến xuất hiện những cơ ho dữ dội, kéo dài và không tự kiềm chế được. Đây là một loại ho rất đặc trưng của bệnh ho gà, bởi vì sau khi đã điều trị tiêu diệt hết vi khuẩn ho gà bằng kháng sinh đặc trị, triệu chứng ho vẫn còn dai dẳng trong một thời gian dài do chất histamin vẫn tồn tại trong máu của trẻ bị bệnh.
Tiêm phòng vắc-xin là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh ho gà ở trẻ em. Lúc trẻ được 2 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà.
Phòng bệnh ho gà bằng cách nào?
Vì ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi, và khả năng lây truyền rất cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian như hộ gia đình, trường học… Vì vậy, bên cạnh việc tiêm phòng cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp khác như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà; Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh ho gà
Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch:
Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng.
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng.
Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
![]() |
Bệnh ho gà thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tuổi (Ảnh minh họa) |
Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Vì vậy, để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai. Sau khi được tiêm phòng vaccine Tdap, cơ thể bà mẹ sẽ tạo ra các kháng thể cần thiết và truyền cho em bé trước khi sinh. Những kháng thể này giúp bảo vệ em bé chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà trong vài tháng đầu đời.
Bệnh ho gà thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi càng dễ mắc bệnh nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Được điều trị càng sớm, trẻ càng nhanh khỏi và ít có nguy cơ bị biến chứng.
![]() |
![]() |
![]() |