TP. Nha Trang đang tích cực thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng biển.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, TP. Nha Trang chuyển đổi 162ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 50ha cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả của xã Vĩnh Lương được chuyển sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; 112ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả, không chủ động nước tại các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh được chuyển sang cây trồng hàng năm, rau màu.
Ngư dân đánh bắt xa bờ cập cảng Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang
Tuy vậy, với thực tế diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ, ngày càng bị thu hẹp và chia cắt, lĩnh vực trồng trọt ở Nha Trang chủ yếu đảm bảo diện tích gieo trồng ổn định. Khu vực sản xuất rau an toàn của thành phố tập trung tại xã Vĩnh Phương khoảng 2ha, vùng sản xuất lúa duy trì quy hoạch tại xã Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc diện tích khoảng 290ha...
Ở lĩnh vực chăn nuôi, 5 năm qua, đàn trâu, bò giảm, hiện nay có khoảng 1.700 con. Hình thức chăn nuôi vẫn chủ yếu ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thú y. Đàn lợn hiện chỉ còn khoảng 6.000 con; đàn gia cầm khoảng 126.000 con, chủ yếu nuôi thả vườn, giống gà chất lượng cao được nông dân chú trọng áp dụng.
Ở lĩnh vực thủy sản, Nha Trang hiện có hơn 3.000 tàu cá, tổng công suất hơn 413.000CV. Trong đó, tàu trên 90CV có 961 chiếc; phần còn lại là tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ và có xu hướng giảm nhanh do nguồn lợi thủy sản gần bờ suy giảm, hiệu quả đánh bắt thấp, nhiều hộ chuyển nghề hoặc kết hợp đóng mới tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ...
Giai đoạn 2017 - 2020, năng lực khai thác thủy sản của thành phố tăng hàng năm, dự kiến năm nay gần 64.000 tấn.
Về thủy sản nuôi trồng, UBND TP. Nha Trang đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh Nha Trang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Theo đó, vùng nuôi lồng bè tập trung tại phường Vĩnh Nguyên. Sản lượng nuôi lồng bè trung bình mỗi năm tăng 6,5%, dự kiến năm 2020 được 480 tấn. Đối tượng nuôi chủ lực là: Tôm hùm, cá chim, cá mú…
Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng cây trồng là lúa chất lượng cao, rau VietGAP, cây ăn quả; cây lâm nghiệp là keo, bạch đàn, sưa…; xóa bỏ chăn nuôi ở các phường nội thành. Thành phố phấn đấu từ nay đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm tăng 3%; sản lượng thủy sản bình quân hàng năm tăng 5%, đến năm 2025 được 82.000 tấn. Ngoài ra, thành phố cũng đặt mục tiêu sẽ có 3 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn nâng lên 56 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,2%.
Để đạt các mục tiêu này, thành phố tập trung phát triển các loại cây, con theo hướng đặc trưng, thế mạnh. Kinh tế nông nghiệp chủ yếu hướng biển với việc xây dựng một hệ sinh thái phát triển cả về khai thác, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần và chế biến thủy sản.
TP. Nha Trang đang tích cực thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng biển
Hiện nay, gần 85% tàu đánh bắt xa bờ của thành phố là tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới. Hơn 76,6% tàu có công suất từ 800CV trở lên được trang bị hiện đại, góp phần thúc đẩy ngành đóng tàu cá phát triển. Trên địa bàn thành phố có 6 cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá, đủ khả năng đóng mới, sửa chữa tàu tham gia đánh bắt xa bờ. Trong số này có 5 đơn vị đủ năng lực đóng mới “tàu cá 67”.
Về nuôi trồng thủy sản, chủ trương của thành phố không ưu tiên tái cơ cấu lĩnh vực nuôi vùng nước lợ. Đối với hoạt động nuôi biển, vùng nước giao giữa Bích Đầm và Đầm Bấy trên vịnh Nha Trang diện tích 50ha được quy hoạch vùng nuôi công nghiệp (lồng Na Uy).
Hiện nay, cơ sở hạ tầng và dịch vụ nghề cá của thành phố từng bước được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư mở rộng 2 cảng cá Vĩnh Lương và Hòn Rớ theo hướng kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và tránh trú bão cho tàu cá địa phương.
Hồng Nga