Nguồn cung tăng gây áp lực giảm lên giá đường |
Theo Tổ chức Đường thế giới (ISO), chỉ số giá giao dịch đường thô và đường trắng kỳ hạn trong nửa đầu tháng 1 năm nay tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 12 năm ngoái do lo ngại số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến tiêu thụ đường giảm.
Đến giữa tháng 1, giá dầu tăng mạnh và tình hình lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia đã thúc đẩy giá đường tăng lên.
Nhưng đến cuối tháng các thông tin tích cực về thời tiết thuận lợi tại các vùng nguyên liệu mía và củ cải đường tại Brazil và Ấn độ có thể khiến cho thị trường đường bước vào trạng thái thừa cung đã đẩy giá xuống thấp hơn vào cuối tháng.
Giá đường thô giao ngay (tính theo giá hàng ngày của ISA) đạt trung bình 18,2 cents/lb giảm so với mức 18,8 cents/lb của tháng 12/2021 và mức 19,4 cents/lb của tháng 11/2021.
Chỉ số giá đường trắng ISO giảm mạnh xuống mức 494,4 USD/tấn so với mức 498,2 USD/tấn của tháng 12/2021 và mức 509,5 USD/tấn của tháng 11/2021.
Diễn biến giá đường thế giới trong tháng 1/2022 (Nguồn: ISO) |
Còn tại trong nước, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 1, do ảnh huởng của dịch bệnh COVID-19, việc sản xuất các loại hàng hóa phục vụ tết giảm so với các năm trước trong đó có các sản phẩm sử dụng đường, khiến cho sức cầu đường giảm thấp.
Trong khi đó, nguồn cung đường lại tăng mạnh với sự xuất hiện đồng thời của nhiều nguồn đường. Từ cuối tháng 12 năm ngoái đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới với Campuchia và Lào tràn về với số lượng lớn và giá thấp hơn cả giá đường nhập khẩu có dấu hiệu lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các nước ASEAN cũng đang được ồ ạt nhập về đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ra còn đường nhập khẩu theo hạn ngạch 2021 cũng được đưa về khiến cho giá đường giảm so với tháng 12/2021.
Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (giá có VAT, đ/kg) dao động ở mức như sau:
Giá đường tại Việt Nam trong tháng 1/2022 (Đơn vị: đồng/kg đã bao gồm VAT). Nguồn: VSSA |
Các nhà máy đường đã tăng giá mua mía đến mức cao nhất trong 5 năm gần đây và tăng chi phí qua các biện pháp hỗ trợ nông dân nhằm khôi phục trồng mới vùng nguyên liệu khiến giá thành đường tăng so với vụ trước, do đó hầu như không thể cạnh tranh với đường nhập lậu và đường nhập khẩu, đành phải chấp nhận tồn kho.
VSSA cho biết, cả hai quốc gia Campuchia, Lào đều nhập khẩu đường Thái Lan không phải cho nhu cầu trong nước và hầu như chỉ phục vụ cho hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu qua biên giới và số liệu trên cho thấy quy mô của loại hoạt động này lên đến khoảng 500.000 tấn cho năm 2021.
Ước tính các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang thu lợi bất chính đồng thời đang làm thất thu thuế chống phá giá và chống trợ cấp với giá trị lớn.
Tính toán khối lượng nhập lậu đường có xuất xứ Thái Lan khoảng 500.000 tấn với giá xuất khẩu bình quân 471 USD/tấn, Nhà nước Việt Nam đã thất thu thuế (47,64%) giá trị khoảng 112.000.000 USD, tương đương 2.400 tỷ đồng.
Với nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2021 – 2022, VSSA nhận định các nguồn cung dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 2/2022 và các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.
Giá đường trong thời gian sắp tới phụ thuộc vào nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu, nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).
Còn nếu việc kiểm soát đường nhập lậu không có hiệu quả giá đường sẽ tiếp tục giảm dưới giá thành sản xuất đường từ mía và sẽ dẫn đến khả năng phá hủy chuỗi liên kết sản xuất mía đường.