Đường Thái Lan vào Việt Nam đã giảm rõ rệt sau khi bị áp thuế CBPG và CTC
Theo số liệu của Hải quan Thái Lan, trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đường (HS: 1701) của Thái Lan đạt hơn 1,4 triệu tấn, giảm 56,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Indonesia hiện đang là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu đường của Thái Lan với gần 333,5 nghìn tấn.
Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu đường của Thái Lan trong 5 tháng đầu năm, đạt hơn 264 nghìn tấn, giảm mạnh 53% (tương ứng 287 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tháng 5, lượng đường nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 38,5 nghìn tấn, tăng 49% so với tháng trước đó nhưng giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành mía đường vẫn gặp khó dù nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm mạnh |
Lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm rõ rệt sau khi bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời kể từ giữa tháng 2 năm nay.
Cụ thể, trong 3 tháng sau khi áp thuế tạm thời (từ tháng 3 đến tháng 5), lượng đường của Thái Lan xuất khẩu vào Việt Nam chỉ đạt bình quân khoảng 32 nghìn tấn/tháng so với 150 nghìn tấn/tháng trong cùng thời điểm của năm 2020.
Xu hướng giảm này được đánh giá sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới khi mới đây đường mía nhập từ Thái Lan (đường thô, tinh luyện) đã chính thức bị áp thuế CBPG và CTC là 47,64% sau thời gian áp thuế tạm thời.
Thời hạn áp dụng là 5 năm kể từ ngày quyết định chính thức có hiệu lực.
Theo kết luận của Bộ Công Thương ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận, v.v.. Một loạt nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng hơn 330% so với năm 2019.
Nỗi lo mang tên đường nhập lậu và lẩn tránh thuế
Theo đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 5/2021 đường nhập theo hình thức tránh né thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan bằng cách nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanma) đang hoàn toàn làm chủ thị trường.
Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, 4 tháng đầu năm 2021, tình trạng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN đã liên tục xảy ra.
Theo đó, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Laos, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ khi so sánh cùng kỳ với 4 tháng đầu năm 2020
"Mức tăng từ 6,581 tấn lên 263,081 tấn tức gấp 40 lần so với cùng kỳ thực sự là hiện tượng không bình thường, và chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như trên", đại diện VSSA khẳng định.
Hiện vụ ép mía đã kết thúc vụ, nhập khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan và các nước ASEAN tiếp tục đưa về cộng với hoạt động tích cực của gian lận thương mại đường nhập lậu tiếp tục đưa một lượng đường lớn vào thị trường Việt Nam.
Tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn hoạt động, bất chấp việc gia tăng kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.
Ngành mía đường vẫn gặp vô vàn khó khăn do đường nhập lậu và lẩn tránh thuế |
Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2020.
Từ đó đến nay không chỉ có Thái Lan, các quốc gia khác trong khu vực ASEAN cũng đẩy mạnh xuất khẩu đường vào Việt Nam.
Số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, khối lượng đường xuất khẩu của Malaysia và Indonesia vào Việt Nam từ năm 2020 đến nay tăng đột biến so với trước đó.
Cụ thể, lượng đường (HS: 1701) của Malaysia xuất khẩu sang Việt Nam trong năm 2020 đạt 120,7 nghìn tấn, tăng 950 lần so với năm 2019 và tăng 22 lần so với năm 2016. Xu hướng tăng vẫn tiếp tục diễn ra trong 4 tháng đầu năm 2021, với khối lượng đạt 56,6 nghìn tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam hiện đang là thị trường xuất khẩu đường lớn nhất của Malaysia, chiếm 67% tổng xuất khẩu đường của nước này trong 4 tháng năm, tăng so với thị phần 47,5% của năm 2020 và mức thị phần không đáng kể của các năm trước đó.
Xuất khẩu đường (HS: 1701) của Indonesia vào Việt Nam cũng gây nhiều chú ý với con số 17,1 nghìn tấn trong năm 2020 dù trước đó Indonesia xuất khẩu đường ra thế giới rất ít và không xuất khẩu sang Việt Nam.
Cùng với Malaysia và Indonesia, lượng đường nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường khác trong ASEAN như Campuchia, Lào, Myanmar cũng tăng đáng kể trong thời gian qua.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả 05 nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan.
“Bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan. Toàn bộ số lượng đường trên đây chỉ chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường", đại diện VSSA nhấn mạnh.
Chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan |
Đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm tháng thứ 3 liên tiếp |
Tìm giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam |