Người Lạng Sơn hái ngọn rau sau sau về rửa sạch và ăn chấm với mẻ om |
Cứ mỗi khi Xuân về, cây rau sau sau – loài cây thân gỗ có lá gần giống với lá phong xứ ôn đới lại đâm chồi nảy lộc. Người Lạng Sơn hái những chồi non này về rửa sạch và ăn chấm với mẻ om. Món chấm này cũng thật đặc biệt, mẻ được lọc kỹ cho ra nước trắng đục sánh, cà chua chưng lên rồi đổ lẫn mẻ và một chút thịt hộp, nêm mắm muối gia vị vừa miệng thế là đã có một bát mẻ chưng thơm lừng.
Sau sau ở Lạng Sơn phổ biến có hai loại, một loại lá tím và một loại lá trắng đục. Người tiêu dùng ưa thích loại màu tím hơn vì có vị đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, trị mẩn ngứa... Bà Liên tư vấn cho khách: “Nếu ăn lẩu thì chỉ cần rửa sạch, nhúng rau vào nồi khi nước đã sôi. Còn ăn ghém thì cần phải có bát nước chấm. Bát nước chấm này làm bằng ruột cá làm sạch, băm nhỏ cùng thịt cá, thính nếp, nước mẻ, hành tỏi, ớt, củ sả, nước mắm ngon, sau đó đem nấu khoảng 10 phút sẽ tạo thành một thứ nước sền sệt thơm lừng”.
Tới các chợ ở thành phố Lạng Sơn, bà con dân tộc thiểu số, chủ yếu là phụ nữ đến từ các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Quan, Lộc Bình mang sau sau rừng ra bán. Họ thường là người thân quen trong làng bản, đi theo từng tốp và thống nhất giá cả theo từng ngày.
Bà con dân tộc thiểu số bán rau sau sau |
Cây sau sau còn có nhiều tên gọi khác như sau trắng, phong hương, bạch giao hương, cây thau, sâu trắng, cổ yếm, mạy sâu (Tày), pùm múa đẻng (Dao), chà phai (Mường).
Cây sau sau phân bố ở Nam Trung Quốc và ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình...
Ngọn sau sau chứa nhiều chất tannin nên có vị chát thơm gần giống quả trám trắng. Khi chấm ngọn sau sau với sốt mẻ, vị chát của lá hòa quyện với vị chua chua của mẻ, ngầy ngậy của thịt hộp thành một món ăn vô cùng thú vị.
Nếu ăn lẩu thì chỉ cần rửa sạch, nhúng rau vào nồi khi nước đã sôi |
Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, bên cạnh những món ăn quen thuộc như bánh chưng, thịt gà, măng, hành… thì món rau sau sau đã trở thành món “rau sống” không thể thiếu trong mâm cỗ của người dân xứ Lạng.
Theo y học cổ truyền, quả sau sau có vị đắng, tính bình, mùi thơm; tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh. Lá sau sau có vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết. Nhựa có vị ngọt, cay, tính ấm; tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau. Rễ vị đắng tính ấm; tác dụng khư thấp, chỉ thống.
Quả có tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh; chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, tâm vị đau trướng, thủy thũng, đái khó, mề đay, viêm da, chàm. Lá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, dùng ngoài trị mẩn ngứa, eczema.
Nhựa có tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau; trị ho có đờm, kinh giản, thổ huyết, nôn ra máu, chảy máu cam. Rễ có tác dụng khứ thấp, chỉ thống; chữa thấp khớp, đau răng.
Theo các chuyên gia, sau sau còn được gọi là sau trắng, phong hương, bạch giao hương, cây thau, cổ yếm... Cây sau sau có ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Tây, Hòa Bình... Bộ phận dùng làm thuốc là quả (lộ lộ thông), lá (phong hương diệp), rễ (phong hương căn), nhựa (phong hương chi). Ngọn lá non được dùng làm thực phẩm. Lá sau sau chứa nhiều tanin. Quả chứa acid liquidamric, acid liquidamric lacton, acid beturonic. Nhựa chứa tinh dầu và nhiều chất khác. |