Quả nhãn và tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản Kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt hơn 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm Nông sản Việt Nam đến gần với người tiêu dùng Nhật Bản |
"Mở lối" cho nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam rộng đường vào thị trường Nhật Bản |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, giao thương trực tiếp của các doanh nghiệp với đối tác nước ngoài, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu thực hiện đa dạng các phương thức kết nối doanh nghiệp nhằm đáp ứng với tình hình mới như tổ chức các buổi làm việc và hội thảo - giao thương trực tuyến, xây dựng website B2B phục vụ kết nối giao thương, kêu gọi doanh nghiệp cung cấp thông tin và gửi hàng mẫu...
Với vai trò là cầu nối cũng như đơn vị phối hợp triển khai các hoạt động tại Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã triển khai những hình thức hỗ trợ mời gọi doanh nghiệp có nhu cầu kết nối với các nhà mua hàng Nhật Bản bằng cách gửi hàng mẫu và catalogue sang trưng bày tại gian hàng quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế thực phẩm – đồ uống FOODEX 2021, trưng bày hàng mẫu tại show room của Thương vụ...
Nhằm mục tiêu tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, trong thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã và đang chú trọng đẩy mạnh công tác kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản – thực phẩm của Việt Nam với các nhà nhập khẩu và chuỗi phân phối của Nhật Bản.
Mặt hàng nông thủy sản - thực phẩm có xuất xứ Việt Nam đang được ưa chuộng tại Nhật Bản nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đang tăng mạnh qua từng năm (với khoảng gần 500.000 người trong năm 2021). Cùng với sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng của người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng nhập khẩu từ nước ngoài, hàng Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để tiếp tục thâm nhập và nâng cao thị phần tại thị trường Nhật Bản.
Các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm có chất lượng của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến trên các kệ hàng của nhiều chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản như AEON, Donkihote…
Mặc dù hàng nông thủy sản – thực phẩm Việt Nam có nhiều tiềm năng được đón nhận tại Nhật Bản, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý một số đặc thù của thị trường để việc xuất khẩu và bán hàng hiệu quả và bền vững.
Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, do vậy các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú trọng đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại, hình thức sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu riêng biệt của nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Chẳng hạn, các sản phẩm sữa đậu nành VINASOY hay sản phẩm nước dừa – sữa dừa chế biến mang nhãn hiệu VietCoco (được nhập khẩu bởi công ty TNHH KOME), thông qua sự kết nối của Thương vụ, đang được bán tại Nhật với nhiều chủng loại, mùi vị đa dạng... và nhận được sự yêu thích của đông đảo người tiêu dùng.
Cùng với đó, do đặc thù văn hóa kinh doanh của người Nhật là sẽ có thêm sự tin tưởng vào đối tác được bên thứ ba uy tín giới thiệu, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng nên chú ý theo dõi thông tin, đăng ký tham gia các chương trình kết nối giao thương do các cơ quan nhà nước (Bộ Công Thương, UBND các tỉnh...) tổ chức để có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, hợp tác kinh doanh với nhiều đối tác nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.