Nấm tràm mọc thành từng cụm với màu tim tím đặc trưng của đất Cố đô. |
Mỗi năm, vào hai mùa mưa tháng 5 - tháng 6, tháng 9 - tháng 10 âm lịch, nhiều người lại băng rừng tìm kiếm loại nấm tràm mọc tự nhiên. Tại những chợ dân sinh, nấm tràm tươi được bán với giá từ 50.000 đồng - 80.000 đồng/kg, đây là nguồn thu nhập của nhiều người mỗi khi mùa nấm tới.
Tên khoa học của nấm tràm là tylopilus felleus, còn gọi là boletus felleus bull, không có độc tính. Loài nấm này sống cộng sinh trên cây tràm (bản địa), tràm hoa vàng, keo tai tượng và bạch đàn và chỉ mọc trong thời gian ngắn. Bào tử nấm phát tán trong tự nhiên, gặp mưa với độ ẩm thích hợp thì tạo mầm thành sợi nấm, sống cộng sinh tại phần rễ của cây tràm nên gọi là nấm tràm.
Cứ sau 2 hoặc 3 ngày mưa dầm, trời bắt đầu hửng nắng cũng là lúc vào rừng để tìm nấm. |
Nấm tràm có tai nhỏ, tròn, mầu tím nhạt có vị đắng đặc trưng. Đông y sử dụng loại nấm này để chữa mỏi mệt, cảm cúm, giải độc, giải rượu, còn các bà nội trợ Huế thường dùng nấm tràm để nấu cháo, nấu canh với rau lang, kho tiêu, hoặc xào với thịt, hải sản.
Nấm tràm thường mọc phổ biến tại một số tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Bình và một số tỉnh miền Nam như Phú Quốc, Hà Tiên... Người dân tại những tỉnh thành này thường ví nấm tràm như “lộc trời” bởi vì loại nấm này không trồng được mà chỉ mọc tự nhiên mỗi khi mùa mưa tới.
Tại các gò đồi hay dọc theo ven bờ của các rừng rậm, nấm tràm sẽ bắt đầu mọc lên dưới những chỗ ẩm ướt. Loại nấm này chỉ mọc trên những đám lá cây và bên thân cây tràm nên được nhiều người gọi bằng cái tên nấm tràm.
Những rổ nấm tràm ánh tím bắt mắt là hình ảnh quen thuộc ở các khu chợ Huế. |
Mỗi mùa nấm tràm mọc, chị Trần Thị Hòa (Lệ Thủy, Quảng Bình) lại vào các rừng tràm để tìm nấm về bán. Không riêng chị, nhiều người thân trong gia đình cũng tranh thủ đợt mọc nấm vỏn vẹn vài ngày để hái bán kiếm thêm thu nhập.
Chị Hòa cho biết, vì khách hàng thường ở xa nên nấm tràm hầu như sẽ được làm sạch và cấp đông để tới tay khách vẫn giữ nguyên độ tươi ngon nhất có thể. Các rừng tràm tại khu vực chị Hòa sinh sống hầu như mỗi mùa đều mọc nấm tràm sau mưa.
Nấm tràm hài xong đưa về chợ người dân xếp hàng chờ mua. |
Chị Hòa cho hay: “Không chỉ tôi mà còn rất nhiều người tại đây đi thu nấm tràm trong rừng để thưởng thức và đem bán. Lộc trời nên tìm nấm tràm bán cũng khiến nhiều người hào hứng hẳn. Tôi vừa mua, vừa tìm để nhập bán cho các khách hàng nhiều nơi khác. Trước kia, người miền Nam họ ít ăn lắm nhưng bây giờ họ cũng biết ăn và rất nghiện loại nấm này”.
“Nấm tràm ăn có vị đắng như thuốc vậy, thế nhưng có vị ngọt sau ăn, béo và rất thơm. Tôi thường gom nhiều ngày mới đem bán, có lúc tới tận 80kg chỉ đủ gửi vào khu vực Sài Gòn, Kiên Giang...”
Nấm tràm ăn có vị đắng như thuốc vậy, thế nhưng có vị ngọt sau ăn, béo và rất thơm. |
Tất cả nguyên liệu hòa vào nhau sẽ mang đến bát canh nấm tràm có vị ngọt thơm nồng, ăn một lần là “nhớ cả đời”. |
Với hình dáng khá lạ, tai màu tím nhạt, thân tròn và mập, để hái được nấm tràm thường mất rất nhiều thời gian tìm kiếm. Điểm đặc biệt của nấm tràm là vị đắng rất đặc trưng, nếu như chế biến không đúng cách sẽ rất khó ăn. Tuy nhiên, với những người đã ăn quen và trót mê loại nấm này, vị đắng lại là điểm đặc biệt và thu hút.
Với nhiều người Huế, vào mùa nấm, ngoài chế biến món ăn cho gia đình, nấm tràm còn là đặc sản để tặng biếu những người thân, bè bạn. Nấm tràm lại là loại thực phẩm có dinh dưỡng cao, khi ăn vào người sẽ được bồi bổ, khỏe và an thần, ngủ ngon. Tuy có vị đắng đặc biệt nhưng nấm tràm được chế biến được nhiều món ăn đặc sản như nấm tràm kho tiêu, cháo nấm tràm, nấm tràm om tôm thịt./.