5 bệnh thường gặp mùa nắng nóng và cách phòng tránh Chuyên gia chỉ cách tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng Ngày nắng nóng, uống nước mía hay nước dừa tốt hơn? |
Những bệnh về da thường gặp trong mùa hè
Môi trường ở nước ta đang bị ô nhiễm nặng nề, chính vì thế tỷ lệ bệnh nhân gặp vấn đề da liễu ngày càng tăng cao. |
Nhiệt độ vào mùa hè thường tăng cao, cảm giác nắng nóng kéo dài liên tục khiến chúng ta cảm thấy rất khó chịu, mệt mỏi. Với nhiều loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh da liễu thì điều kiện thời tiết này thích hợp để chúng sinh sôi và tấn công vào cơ thể mọi người.
Đồng thời, Việt Nam là nơi có khí hậu nóng ẩm, vào mùa hè độ ẩm tương đối cao, chính vì thế các bệnh da liễu thường gặp vào mùa nóng càng có cơ hội hình thành. Bên cạnh yếu tố thời tiết, bệnh da liễu hình thành và phát triển do những yếu tố khách quan. Ví dụ như khói bụi, ô nhiễm ở môi trường sống xung quanh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh da liễu.
Ngày nay, môi trường ở nước ta đang bị ô nhiễm nặng nề, chính vì thế tỷ lệ bệnh nhân gặp vấn đề da liễu ngày càng tăng cao. Tia UV là một tác nhân gây hại lớn nhất khi cơ thể tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là vào mùa nóng. Đồng thời, mùa nóng cũng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi dễ gây nên các bệnh lý về da như rôm sảy, nấm da, viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng…
Bệnh rôm sảy
Rôm sảy là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè. |
Rôm sảy là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè, khiến con quấy khóc liên tục vì cảm giác khó chịu, ngứa ngáy. Nguyên nhân gây bệnh là tuyến mồ hôi đang rơi vào tình trạng bít tắc nghiêm trọng. Các bác sĩ cho biết trẻ nhỏ, đặc biệt là các em bé sơ sinh chưa hoàn thiện cấu tạo ống tuyến mồ hôi nên rất dễ gặp phải tình trạng rôm sảy,…
Việc cha mẹ cho con mặc quần áo quá dày, không thấm hút mồ hôi tốt cũng là một phần nguyên nhân khiến bé mắc bệnh trong mùa hè. Khi bị rôm sảy, trên làn da của bé sẽ có những nốt mụn nước nhỏ li ti, chúng xuất hiện trên diện rộng và khiến da mẩn đỏ. Các vị trí thường bị rôm đó là khu vực háng trán, cổ hoặc lưng của em bé. Cha mẹ nên chú ý theo dõi các triệu chứng cũng như biểu hiện quấy khóc của con để phát hiện tình trạng bệnh.
Thông thường, rôm sảy không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ nhỏ, chúng sẽ biến mất nếu bé được chăm sóc và vệ sinh da cẩn thận. Các bậc phụ huynh nên hạn chế hiện tượng bé gãi vào các nốt mụn nước, làm lây lan rôm sảy sang các vùng khác, mất nhiều thời gian để da lành.
Ghẻ ngứa
Ghẻ ngứa hay gặp vào mùa hè, ở những nơi có điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh kém. |
Ghẻ là bệnh ngoài da do ký sinh trùng (con ghẻ) Sarcoptes Scabiei homonis gây ra. Bệnh hay gặp vào mùa hè, ở những nơi có điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh kém và rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người bị ghẻ, nằm chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn tắm...
Khi bị ghẻ, người bệnh có các triệu chứng như ngứa nhiều về đêm, ngứa tăng khi trời nóng, ra mồ hôi nhiều. Mụn nước ở vị trí đặc hiệu, kẽ ngón tay, lằn chỉ cổ tay, nếp gấp bàn tay, vùng thắt lưng, cạp quần, bẹn đùi, sinh dục, nách. Ở trẻ nhỏ, ghẻ có thể bị toàn thân. Lâu ngày bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm khuẩn như viêm da mủ, viêm nang lông, chốc nhọt.
Khi có biểu hiện bị bệnh ghẻ, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng. Phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh cá nhân: tắm rửa hằng ngày, thay quần áo và luộc kỹ bằng nước sôi.
Viêm nang lông
Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. |
Bình thường trên da của chúng ta có nhiều lông, mọc lên từ các nang lông nằm sâu dưới da, các nang lông có nhiệm vụ sinh ra lông, tuyến mồ hôi trong nang lông tiết mồ hôi và chất bã giúp bài tiết và điều hòa thân nhiệt. Khi nắng nóng, chất bã được bài tiết quá nhiều kết hợp với nhiễm khuẩn sẽ gây viêm nang lông.
Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Các yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm nang lông thường là: khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn, cạo râu, nhổ lông, tẩy lông không đúng cách,…
Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông và có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, gây biến chứng thành nhọt, cụm nhọt hoặc viêm mô dưới da. Người bệnh cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị đúng.
Cách phòng tránh viêm nang lông là cần vệ sinh da hàng ngày. Nên sử dụng các loại xà bông phù hợp giúp giảm chất nhờn, giúp các lỗ chân lông luôn thông thoáng; mặc quần áo thoải mái, rộng rãi bằng chất vải mềm, hút ẩm và thoáng khí…
Viêm da cơ địa
Bệnh nhân viêm da do cơ địa khá nhạy cảm, nhất vào thời những ngày thời tiết nắng nóng. |
Bệnh nhân viêm da do cơ địa khá nhạy cảm, nhất vào thời những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí tăng cao. Lúc này, cơ thể chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái rối loạn, đây là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm da cơ địa tái phát. Đối với bệnh viêm da cơ địa, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy ở những vùng da đang bị tổn thương, đó là các vết chàm da.
Nếu chúng ta thường xuyên gãi, làn da sẽ trở nên đóng vảy và phù nề nghiêm trọng. Tình trạng này khiến bệnh nhân không khỏi khó chịu, đau rát, mọi sinh hoạt hàng ngày cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Thực tế, bệnh viêm da do cơ địa không thể điều trị dứt điểm, người bệnh phải chung sống với bệnh mỗi lần chúng tái phát. Chúng ta nên biết cách chăm sóc da để kiểm soát tốt tình trạng, hạn chế những tổn thương nặng nề đối với làn da.
Nấm da
Nấm da do các loại nấm gây nên, triệu chứng bệnh có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể. |
Vào mùa hè, tỷ lệ người mắc bệnh nấm da cũng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Căn bệnh này do các loại nấm gây nên, triệu chứng bệnh có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể. Một số loại nấm gây bệnh có thể kể đến như: hắc lào, nấm tóc, lang ben hoặc nấm kẽ,…
Dưới điều kiện thời tiết nóng ẩm, mồ hôi tiết ra nhưng không thể thoát hơi, chúng tồn tại trên bề mặt da lâu hơn so với bình thường. Đây cũng là lúc nấm gây bệnh cho da phát triển, sinh sôi mạnh mẽ. Bệnh nhân sẽ thấy mụn nước có hình dạng giống như đồng tiền và gây cảm giác ngứa ngáy, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày trời nóng bức, nhiệt độ tăng cao.
Trong giai đoạn đầu phát triển, các triệu chứng của bệnh nấm da thường không rõ ràng. Chính vì thế bệnh nhân có xu hướng chủ quan, bỏ qua việc theo dõi và điều trị. Sau một thời gian dài, bệnh bắt đầu có nhiều biểu hiện cụ thể, lúc này việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian để da phục hồi.
Đặc biệt, căn bệnh này có thể lây lan từ người này sang người khác với tốc độ nhanh chóng. Mọi người nên lưu ý khi tiếp xúc với bệnh nhân nấm da và có cách để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm. Tốt nhất mọi người không nên sử dụng chung đồ dùng cá nhân với nhau để giảm thiểu khả năng lây bệnh.
Cách phòng tránh chung các bệnh thường gặp vào mùa nóng
Nên sử dụng kem chống nắng, uống đủ nước, che chắn bằng các phụ kiện tối màu khi cần ra đường. |
Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải sử dụng kem chống nắng, đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang cẩn thận khi cần ra đường hoặc phải làm việc dưới môi trường tiếp xúc thường xuyên với ánh mặt trời để tránh các bệnh lý về da.
Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Nếu xuất hiện những dấu hiệu như thủy đậu, tay chân miệng, tuyệt đối không được chích vỡ các mụn phồng gây bội nhiễm. Có thể sử dụng dung dịch sát trùng như xanh méthylène chấm vào các mụn nước. Tình hình bệnh không có tiến triển cần được đem đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.