Nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng các điều kiện và quy định để có thể xuất khẩu
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, năm 2023, Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 794,4ha; trong đó cây lúa có 56 cơ sở, với tổng diện tích 447,5ha; cây rau 27 cơ sở, 86ha; cây ăn quả 34 cơ sở, 231,4ha và cây dược liệu, hoa cây cảnh có 7 cơ sở, tổng diện tích 29,5ha. Chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát 43 cơ sở được cấp mã số vùng trồng nội địa, kết quả có 38 cơ sở bảo đảm duy trì mã số vùng trồng theo quy định, 5 cơ sở ghi chép nhật ký truy xuất nguồn gốc chưa đầy đủ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến nông sản Yến Anh (huyện Ba Vì) Phạm Thị Tư Hậu cho biết, hợp tác xã đang sản xuất, chế biến nông sản sạch như: Ngô, khoai, sắn, dừa… Toàn bộ sản phẩm của đơn vị đều được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu. Trong đó có 3 sản phẩm như: Ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa được công nhận đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn sản phẩm từ ngô, khoai, sắn, dừa. Riêng sản phẩm “Bánh sắn phomai” đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng lớn và duy trì đơn hàng cố định...
Mô hình sản xuất dưa lưới an toàn tại xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) mang lại giá trị kinh tế cao. |
Hiện nay, hợp tác xã cũng đã đầu tư, nâng cấp sản xuất thông qua việc áp dụng kỹ thuật và khoa học công nghệ, phát triển hệ thống nhà lưới, nhà màng, hướng đến sản xuất hữu cơ. Đồng thời, hợp tác xã liên kết với Dự án phát triển an toàn thực phẩm do Chính phủ Canada tài trợ để xây dựng thêm hệ thống số hóa quản lý kế hoạch sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và nâng cấp chuỗi thực phẩm nông sản theo hướng bảo đảm an toàn theo chuẩn quốc tế.
Chị Phạm Thị Hương, thành viên Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, do trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP nên gia đình phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, bảo đảm thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiến hành ghi chép nhật ký đồng ruộng, nhờ đó đầu ra tương đối thuận lợi. Đặc biệt, do được hợp tác xã tuyên truyền tập huấn vấn đề bảo vệ thương hiệu uy tín của sản phẩm rau an toàn Văn Đức nên các hộ thành viên rất ý thức việc giám sát chéo lẫn nhau, bao bì đóng gói, mã vùng trồng...
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cần phải nâng cao nhận thức về mã số vùng trồng cho người dân, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của các mặt hàng nông sản, vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng trở nên quan trọng. Do đó, việc đăng ký, quản lý mã số vùng trồng là cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng nông sản Hà Nội trên thị trường.
Thời gian tới, Hà Nội cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể là hướng dẫn cấp mã số cho vùng trồng cây chủ lực; tập huấn, hướng dẫn thiết lập, quản lý mã số vùng trồng cho cán bộ quản lý nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất nông sản tập trung.
Kiểm soát tốt chất lượng của sản phẩm nông sản xuất khẩu giúp thị trường trong nước khẳng định tốt thương hiệu Việt. |
Nhiều cơ hội cho nông sản Việt ở thị trường quốc tế
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế, hiện nay nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn, hữu cơ và chất lượng cao trên thế giới ngày càng tăng, tạo cơ hội cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Song song đó, hàng nông sản Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi chưa có sự đồng bộ trong các khâu sản xuất, phân phối đưa ra thị trường.
Đơn cử, gặp khó khăn trong truy xuất nguồn gốc khi hệ thống kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc chưa được hoàn thiện, làm khó cho việc chứng minh nguồn gốc sạch và an toàn của sản phẩm. Nguyên nhân do chưa hình thành nhiều khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn và đa dạng sản phẩm; thị trường tiêu thụ còn thiếu ổn định nên chưa khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Ngoài ra, sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối còn yếu.
"Để xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cần tăng cường đầu tư vào hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Tăng cường liên kết giữa các bên liên quan. Tổ chức các diễn đàn kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà phân phối để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình sản xuất an toàn và bền vững. Cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các dự án phát triển chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn..." - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.