Đồng Nai chuẩn bị Lế công bố xuất khẩu sầu riêng vào sáng ngày 16/6/2023. |
Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương đã sẵn sàng cho lễ xuất khẩu sầu riêng năm 2023. Thời gian diễn ra Lễ công bố xuất khẩu vào lúc 8 giờ 30 ngày 16/6, tại Sân vận động TP.Long Khánh (phường Xuân Bình, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Dự kiến buổi lễ sẽ diễn ra hoành tráng nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Đồng Nai rộng khắp trong nước và thế giới.
Tham gia Lễ công bố xuất khẩu có 6 doanh nghiệp xuất nhập khẩu sầu riêng với số lượng 20 container với 360 tấn sầu riêng gồm giống Dona, Ri6 được thu hoạch từ 6 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói.
Thắng lợi từ vườn trồng sầu riêng sản lượng khoảng 69.000 tấn
Năm nay người trồng sầu riêng ở Đồng Nai đón nhận nhiều tin vui. Sầu riêng được mùa, giá cả cũng ổn định giúp người trồng có lợi nhuận cao. Hiện nay, sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai. Hiện tại diện tích trồng sầu riêng ở Đồng Nai là 11.345 ha (đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ tư cả nước về diện tích).
Vùng trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Các giống sầu riêng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích). Năm 2023 diện tích thu hoạch sầu riêng của Đồng Nai là 6.574 ha và sản lượng khoảng 69.000 tấn.
Nhận thấy hiệu quả của cây sầu riêng, nhiều địa phương của Đồng Nai đã chủ động mở rộng diện tích. Nhưng không chạy theo diện tích mà trú trọng đến chất lượng. Tại Đồng Nai những vùng sầu riền VietGAP đang đem lại lợi thế lớn trên thị trường.
Anh Nguyễn Hải Điệp (giữa) chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng theo hướng VietGAP. |
Anh Nguyễn Hải Điệp, ngụ ấp Bảo Thị (huyện Cẩm Mỹ), chỉ có 0,7ha sầu riêng nhưng mỗi năm gia đình anh thu trên gần 20 tấn trái, với giá bán bình quân 40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận gần nửa tỷ đồng, hơn hẳn các loại cây trồng khác.
“Từ khi làm sầu riêng VietGAP thì việc tươi nước, xịt thuốc, bón phân nhàn hơn hẳn. Chi phí đầu tư giảm mà năng suất tăng, trái sầu riêng cho cơm dày và ngọt hơn” - anh Điệp nói.
Được phê duyệt dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng VietGAP năm 2017, đến nay xã Xuân Định phát triển được 57ha, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Theo các hộ dân, mô hình VietGAP không chỉ giúp tăng năng suất vườn cây, hiệu quả kinh tế mà còn giúp môi trường được cải thiện.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Định Nguyễn Hồng Phong cho biết, trên địa bàn có gần 450ha sầu riêng và ngày càng có nhiều hộ dân chuyển hướng sang quy trình VietGAP để tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo sức khỏe của người làm vườn. Trong các buổi sinh hoạt, Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình sạch nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.
Chủ động nắm bắt cơ hội đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng
Theo Sở NN&PTNT cho biết: Đồng Nai hiện đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu. Quả sầu riêng tươi phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng kiểm dịch thực vật, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép...
Để năm bắt cơ hội, các ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh việc hỗ trợ người trồng sầu riêng trong việc tuân thủ các tiêu chí xuất khẩu đặc biệt là để đủ tiêu chuẩn cấp má số vùng trồng.
Bởi theo quy định, để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, các vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên môn.
Doanh nghiệp, người trồng sầu riêng và cơ quan quản lý phải đáp ứng yêu cầu về việc ghi nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu.
Đồng thời, phải kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về bao bì và nhãn mác.
Người trồng sầu riêng tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai phấn khởi bước vào vụ thu hoạch với năng suất cao. |
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) Trần Thị Tú Oanh, để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2021, Sở đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Nhờ những nỗ lực đó, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai có 140 vùng trồng đã được cấp mã số và 82 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand,...
Riêng xuất đi thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng, gồm: 11 vùng trồng sầu riêng, diện tích 820 ha, 18 vùng trồng xoài với diện tích hơn 9.000 ha; có 22 vùng trồng chôm chôm, diện tích hơn 6.900 ha; 30 vùng trồng chuối, diện tích 5.600 ha; 13 vùng trồng mít với diện tích 2.200 ha và 9 vùng trồng thanh long, diện tích 728 ha.
Mùa sầu riêng của Đồng Nai đã bắt đầu nối tiếp khi vụ sầu riêng ở miền Tây Nam bộ kết thúc. Những thuận lợi của trái sầu riêng Đồng Nai trên thị trường xuất khẩu cũng là đầu tàu để vùng miền Đông Nam bộ thắng lợi trong vụ sầu riêng năm nay. Dự kiến trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng với tổng diện tích 820 ha./.