Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực then chốt
![]() |
Xuất khẩu thủy sản sang Nga còn nhiều tiềm năng. |
Chuyến thăm chính thức Nga và tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9.5.1945 – 9.5.2025) của Tổng Bí thư Tô Lâm được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia. Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật từ năm 1992, và từ năm 2011 đã được nâng lên cấp Phó Thủ tướng.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN – EAEU FTA), có hiệu lực từ năm 2016 với Nga là một thành viên, đã góp phần duy trì ổn định dòng chảy thương mại song phương. Năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,58 tỉ USD. Về đầu tư, Nga hiện có 199 dự án đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD. Ngược lại, Việt Nam cũng có 16 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn 1,6 tỉ USD, xếp thứ 4 trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có hoạt động đầu tư.
Đáng chú ý, hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Nga trong nhiều năm qua tiếp tục phát triển hiệu quả, tuân thủ luật pháp quốc tế và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và toàn cầu. Nga là một trong những đối tác năng lượng quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Hai liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro đang vận hành hiệu quả tại cả Việt Nam và Nga.
Hai nước cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng mới như năng lượng tái tạo và giao thông xanh. Mô hình hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Zarubezhneft trong liên doanh Vietsovpetro được đánh giá cao về hiệu quả quản trị và khả năng phối hợp chiến lược. Không chỉ dừng lại ở khai thác dầu khí truyền thống, hai bên đang mở rộng sang các phân khúc mới trong chuỗi giá trị năng lượng như xử lý và vận chuyển khí, năng lượng tái tạo, và chuyển đổi số trong quản trị mỏ.
Ông Bùi Thanh Sơn - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh, với vị trí địa chiến lược trong khu vực, Việt Nam đang chủ động tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác về năng lượng và an ninh năng lượng trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+3, APEC... Trên nền tảng quan hệ lâu đời, tin cậy và bền chặt với Nga trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với Nga cũng như các quốc gia khác.
Nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác
![]() |
Dù ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga vẫn chưa trở lại mốc 5,5 tỉ USD như năm 2021, đồng thời chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch ngoại thương của cả hai quốc gia — chỉ khoảng 0,6% đối với Việt Nam và 0,8% đối với Nga.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), nhận định rằng tiềm năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nga vẫn còn rất lớn. Do đó, bà khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước nên ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng Nga.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, phần lớn các mặt hàng trao đổi giữa hai nước hiện đang được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% hoặc rất thấp. Đây là lợi thế lớn từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN – EAEU FTA), mà doanh nghiệp hai nước cần tận dụng hiệu quả để đẩy mạnh hoạt động thương mại và đầu tư song phương.
Việt Nam và Nga đã đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 10 – 15 tỉ USD mỗi năm trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn phía Nga sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nga, góp phần cân bằng cán cân thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản.
Trong ngành năng lượng, hai bên nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Đồng thời, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và điện hạt nhân. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp Nga nghiên cứu kỹ lưỡng khung pháp lý về đầu tư tại Việt Nam và lựa chọn dự án phù hợp để tham gia đấu thầu.
Về các hướng hợp tác mới, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi bày tỏ tin tưởng rằng bên cạnh những trụ cột truyền thống như an ninh, quốc phòng và dầu khí, hai nước sẽ tìm ra các động lực tăng trưởng mới — đặc biệt trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Trong đó, hợp tác hạt nhân tiếp tục là một trong những ưu tiên chiến lược trong quan hệ song phương.