Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hòa Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất - kinh doanh tại tỉnh Hòa Bình bị đình trệ, thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có 152 doanh nghiệp, 25 hợp tác xã, trên 1.500 hộ kinh doanh cá thể đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; gần 1.280 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với tổng dư nợ lên đến hơn 2.265 tỷ đồng. Với tình hình các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã kéo theo vấn đề việc làm của người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
![]() |
Hòa Bình đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động |
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình, toàn tỉnh đã có 2.321 lao động phải tạm thời ngừng việc, 288 lao động của 69 doanh nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, toàn tỉnh đã có 1.164 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, với 918 lao động đã được thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền chi trả là 12,3 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Trung tâm DVVL thực hiện cơ chế một cửa chính sách bảo hiểm thất nghiệp, niêm yết công khai các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để người lao động thực hiện. Cùng với đó, phòng Bảo hiểm thất nghiệp đã xây dựng kế hoạch, mô hình tiếp nhận xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, bộ phận tư vấn ban đầu theo thủ tục hành chính quy định, đồng phối hợp với Phòng Chính sách của Bảo hiểm xã hội thúc đẩy quá trình hoàn thiện hồ sơ của người lao động, chi trả trợ cấp thất nghiệp và thẻ bảo hiểm y tế đảm bảo về thời gian cũng như thủ tục hành chính.
Trung tâm DVVL cũng đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp, nâng cao hiệu quả, phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cập nhật các ngành nghề đào tạo cũng như thời gian mở khóa học nghề để tư vấn cho người lao động.
![]() |
Người lao động cần được hỗ trợ. Ảnh VOV |
Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL còn cử cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp xuống 3 văn phòng đại diện tại những địa bàn tập trung đông người lao động của tỉnh là các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và Lạc Sơn. Bên cạnh đó, bộ phận tư vấn ban đầu cũng được thành lập và đặt tại trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến để được tư vấn việc làm mới, tư vấn học nghề, những lao động chưa có nhu cầu trở lại thị trường lao động sẽ tư vấn, giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Đại diện Trung tâm DVVL tỉnh Hòa Bình cho biết, trung tâm hiện đang tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Cho phép 22 doanh nghiệp đến các địa phương để tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài nước; thực hiện thông báo thông tin tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, tuyển chọn ứng viên đi học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại Cộng hòa Liên bang Đức,...