Hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí.
Ngày 27-5, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 1978/UBND-KT về việc đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử năm 2020 gửi các sở, ban, ngành thuộc thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã.
Theo Thông báo số 130/TB-BCĐCQĐT ngày 17-2-2020, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội đặt ra chỉ tiêu: “Trong năm 2020, phấn đấu 100% các đơn vị kinh doanh trên địa bàn, thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố thực hiện giao dịch, thanh toán bằng hóa đơn điện tử...”.
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với cơ quan thuế các cấp tăng cường tuyên truyền, quán triệt nội dung và yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn, phạm vi đơn vị quản lý chủ động, tích cực áp dụng hóa đơn điện tử; đồng thời, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ cơ quan thuế đôn đốc doanh nghiệp trên địa bàn triển khai hóa đơn điện tử.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động đẩy mạnh việc áp dụng biên lai điện tử thu phí, lệ phí đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị (tương tự hệ thống đã áp dụng triển khai tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 11-2017).
Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối kiểm tra, giám sát việc phối hợp triển khai chương trình hóa đơn điện tử, biên lai điện tử giữa các đơn vị; báo cáo UBND thành phố kết quả hằng tháng.
Liên quan đến vấn đề này, gửi tới sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý việc sử dụng hóa đơn đỏ để tránh việc mua bán hóa đơn thanh toán, tạo điều kiện cho tham nhũng.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết, nhằm ngăn chặn việc mua bán hóa đơn, Bộ đã chỉ đạo cơ quan thuế thành lập Ban chỉ đạo ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành, bán hoá đơn bất hợp pháp, triển khai tăng cường các biệp pháp quản lý, ngăn chặn và phát hiện, xử lý doanh nghiệp vi phạm in, phát hành, bán hoá đơn bất hợp pháp.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hàng năm có văn bản hướng dẫn các cơ quan thuế địa phương tăng cường kiểm tra chặt chẽ tại các khâu: Kê khai thuế; In ấn, phát hành, quản lý sử dụng hoá đơn; Rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, qua đó tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này để phát hiện việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm xử lý kịp thời các vi phạm về hoá đơn.
Để phục vụ cho công tác điều tra, phát hiện và khởi tố các tổ chức, cá nhân mua bán hóa đơn, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp, cung cấp thông tin về người nộp thuế theo đề nghị cho cơ quan công an.
Tổng cục Thuế hướng dẫn cơ quan thuế địa phương nhận diện doanh nghiệp, các đặc điểm, dấu hiệu nghi vấn đối với doanh nghiệp thành lập để mua bán hoá đơn như: Cơ sở mới thành lập không đóng góp vốn điều lệ theo quy định; đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề; Chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; Các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng; Các doanh nghiệp xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, tạm ngừng, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại; Các doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp vừa có doanh thu đột biến tăng nhưng số thuế GTGT phát sinh phải nộp thấp; Các doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 12 tháng nhưng đã sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2000 số hóa đơn).
Để ngăn chặn triệt để việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tiếp nhận thông tin về giao dịch qua ngân hàng của một số doanh nghiệp có dấu hiệu đáng ngờ từ Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (Cục Phòng chống rửa tiền) để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phát hiện doanh nghiệp có hành vi gian lận về thuế, mua bán hoá đơn.
Để phục vụ cho công tác điều tra, phát hiện và khởi tố các tổ chức, cá nhân mua bán hóa đơn, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp, cung cấp thông tin về người nộp thuế theo đề nghị cho cơ quan công an.
Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Cảnh sát đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên, việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp đã dần được ngăn chặn, đẩy lùi. Theo Bộ Tài chính, số doanh nghiệp bị xử lý hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp năm 2019 trên cả nước giảm 60% so với năm 2018.
Minh Nhật