![]() |
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu mặt hàng ô tô mã HS 8703.23.63, 8703.23.57, 8703.24.51. |
Bộ Tài chính đang đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số mặt hàng ôtô nhằm đa dạng hóa nguồn cung xe nhập khẩu, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường và xây dựng hệ thống thuế phù hợp với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Theo quy định hiện hành, các dòng xe thuộc mã HS 8703.23.63, 8703.23.57 và 8703.24.51 đang chịu mức thuế nhập khẩu MFN tương đối cao.
Đối với mã HS 8703.23.63, đây là dòng xe chở người có khoang chở hành lý chung và ôtô thể thao (trừ các dòng ôtô thể thao loại 4 bánh chủ động), dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc.
Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 64%; cam kết trần WTO là 70%. Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 0%, không cam kết trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP).
Mã HS 8703.23.57 áp dụng cho dòng ôtô kiểu sedan có dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc. Thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 64%; cam kết trần WTO là 70%.
Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại ATIGA là 0%, không cam kết trong VJEPA, AJCEP. Thuế suất CPTPP là 31,8%; các FTA khác từ 0 - 78%. Thuế tiêu thụ đặc biệt là 50%, thuế bảo vệ môi trường không thu, thuế giá trị gia tăng là 10%.
Mã HS 8703.24.51 được áp dụng cho các dòng ôtô khác thuộc loại 4 bánh chủ động.
Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 45%; mức cam kết trần WTO là 47%. Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại ATIGA là 0%, không cam kết trong VJEPA, AJCEP.
Về tình hình sản xuất trong nước, Bộ Tài chính cho biết, tính đến năm 2024, quy mô thị trường ô tô Việt Nam khoảng 510.000 xe/năm, trong đó sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước là 338.000 xe/năm và sản lượng nhập khẩu là hơn 173.000 xe/năm (nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN đang áp dụng mức thuế suất FTA là 0%). Quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Theo Bộ Công Thương, dự kiến đến năm 2030, tổng tiêu thụ ô tô vào khoảng 1 đến 1,1 triệu chiếc. Như vậy, trong 05 năm tới phải đạt mục tiêu tiêu thụ gấp đôi so với hiện tại.
Các doanh nghiệp trong nước hiện nay chủ yếu sản xuất, lắp ráp các loại xe có dung tích xi lanh thấp (từ 2.000cc trở xuống) để phục vụ đa số nhu cầu của người dân Việt Nam.
Đôi bên cùng có lợi
![]() |
Ford – Một trong các hãng xe ô tô hàng đầu của Mỹ. |
Giới kinh doanh cho rằng đề xuất trên nếu được thông qua sẽ giúp giá ô tô nhập khẩu giảm đáng kể, qua đó tác động tích cực đến thị trường xe nói chung. Đặc biệt, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn hấp dẫn từ các thương hiệu xe Mỹ, thay vì chỉ có một thương hiệu duy nhất là Ford với một mẫu xe duy nhất là Ford Explorer (đã tạm ngưng nhập khẩu từ đầu năm nay).
Điều này cũng đồng nghĩa tạo áp lực buộc các hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước tiết giảm chi phí, thậm chí phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư sản xuất, để có mức giá hợp lý song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi...
Theo tính toán của Bộ Tài chính, thực hiện theo đề xuất trên, số thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm 8,81 triệu USD (tương đương khoảng 220 tỉ đồng) nếu tính theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN năm 2024. Tuy nhiên, mức hụt thu này có thể thấp hơn nếu số lượng ô tô nhập khẩu từ nhóm các nước MFN tăng lên nhờ lợi thế mới về thuế, thay cho nhập từ khu vực ASEAN.
Trong khi đó, giới chuyên gia thương mại cho rằng việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu sẽ kích thích số lượng hàng nhập tăng, nhờ đó thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT và lệ phí trước bạ đều tăng với mức lớn hơn phần hụt thu thuế nhập khẩu.
Tổng giám đốc của một hãng xe sang cho hay giá một số mẫu ô tô gần đây giảm do nhiều nguyên nhân song chưa phải do hiệu ứng từ thông tin sẽ giảm thuế nhập khẩu. Dù vậy, nếu thuế suất thuế nhập khẩu giảm ở mức đáng kể như đề xuất của Bộ Tài chính thì chắc chắn giá ô tô nhập nguyên chiếc sẽ giảm ở mức độ nhất định.