Giá cà phê hôm nay 18/9/2022: Chững lại toàn thị trường Xuất khẩu cà phê tăng trưởng khá Khai mạc cuộc thi rang cà phê Việt Nam năm 2022 |
Người dân thu hoạch cà phê ở Sơn La |
Vừa qua, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) đã tổ chức Ngày hội cà phê năm 2022. Sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu, tôn vinh ngành nghề cà phê và thương hiệu cà phê Sơn La; đồng thời, khích lệ, động viên người nông dân trồng cà phê và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê.
Cây cà phê được trồng tại tỉnh Sơn La nói chung và thành phố Sơn La nói riêng từ những năm 1990. Trải qua trên 30 năm phát triển, cà phê Sơn La đã khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, làm giàu cho nhiều hộ nông dân và từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững.
Chủ tịch UBND thành phố Sơn La Đỗ Văn Trụ cho biết, thành phố Sơn La là một trong ba địa phương có diện tích trồng cây cà phê chè Catimor lớn nhất của tỉnh, với gần 5.000 ha. Giá trị sản xuất quả tươi hàng năm đạt từ 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng, chiếm 46% trong tổng giá trị sản xuất các loại cây trồng chính; giá trị sản xuất bình quân đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/ha.
Cà phê của thành phố thu hái quả đến đâu đều được tiêu thụ hết và đã có các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê như Công ty Cổ phần tập đoàn Minh Tiến, Hợp tác xã Bích Thao; được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La; có sản phẩm cà phê đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia và thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Đến nay, thành phố Sơn La đã hình thành được mối liên kết giữa hơn 1.500 hộ nông dân với DN, HTX trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn 4C, RA.
Nhiều doanh nghiệp, HTX được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La và được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Vì vậy, đã đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu, được thị trường chấp nhận và đánh giá có chất lượng cao tương đương các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.
Niềm vui được mùa cà phê |
Tuy nhiên, theo đánh giá, quá trình canh tác cây cà phê tại thành phố Sơn La nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; cà phê được trồng trên đất có độ dốc lớn; khả năng đầu tư thâm canh của các hộ nông dân còn thấp; chất lượng và sản lượng cà phê chưa cao.
Bên cạnh đó, việc hình thành phát triển các tổ hợp tác, HTX sản xuất cà phê còn hạn chế; các liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX đã được hình thành nhưng chưa chặt chẽ; nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa...
Tại Hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê do Thành ủy Sơn La tổ chức chiều 8/10, các đại biểu cho rằng, giải pháp cần đẩy mạnh để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng cà phê ở Sơn La là ghép, cải tạo các giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao hơn để đưa vào sản xuất; việc sử dụng phân bón cần hợp lý hiệu quả; cách thu hái cà phê cần đạt chuẩn để sơ chế, chế biến và xây dựng chuỗi cà phê bền vững…
Là một trong những hộ nông dân sản xuất cà phê tiêu biểu của thành phố Sơn La, anh Bùi Văn Thắng ở xã Hua La cho biết: Gia đình anh có 1 ha cà phê được trồng từ năm 1993. Qua thời gian, diện tích cây cà phê già cỗi, nên năm 2014, gia đình anh đã đốn trẻ hóa vườn cà phê.
Nhờ trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng cách nên vườn cà phê của gia đình anh phát triển tốt, cho năng suất cao và thu hoạch ổn định 6 năm. Bình quân hằng năm, vườn cà phê gia đình anh cho thu hoạch 15 tấn quả tươi/năm; tổng thu ước đạt 225 triệu đồng/năm.
Đến với Ngày hội cà phê thành phố Sơn La, các đại biểu, người dân và du khách đã được hòa bình vào không gian văn hóa đặc sắc, trải nghiệm quy trình trồng, sản xuất, chế biến cà phê, với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê; gian hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông nghiệp đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố Sơn La; xem các xã, phường thi kiến thức về trồng, chăm sóc, thu hoạch, bản quản, sơ chế, chế biến cà phê và thi thu hái cà phê…
Anh Lèo Văn Tại ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La chia sẻ: Qua ngày hội, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong cách trồng, chăm sóc và thu hái cà phê. Anh sẽ áp dụng những kinh nghiệm đó vào vườn cà phê của gia đình và tuyên truyền cho các hộ trồng cà phê khác.
Cà phê Blue Sơn La |
Trong thời gian tới, thành phố Sơn La đề ra mục tiêu hình thành và phát triển các vùng sản xuất cà phê tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất; sản xuất cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ và cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đồng thời, thành phố đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế biến sâu; nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh.
Thành phố Sơn La phấn đấu đến năm 2025, duy trì phát triển ổn định diện tích hiện có, năng suất cà phê nhân đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha; hằng năm, dự kiến xuất khẩu từ 9.000 - 11.000 tấn cà phê nhân sang thị trường các nước Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ.
Thành phố Sơn La cũng phấn đấu đến năm 2025, trồng tái canh 1.150 ha và ghép cải tạo 1.350 ha cà phê; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh với quy mô 2.000 ha phục vụ sản xuất cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao và 3.000 ha cây cà phê được chứng nhận 4C, RA, hữu cơ.
Thành phố duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La"; ổn định diện tích cà phê nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý; nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý...
Giá cà phê hôm nay 7/10/2022: Đồng loạt giảm 500 đồng/kg |
Giá cà phê hôm nay 8/10/2022: Đảo chiều tăng nhẹ |
Giá cà phê hôm nay 9/10/2022: Không xuất hiện điều chỉnh mới |