8 loại thực phẩm khiến cơ thể dễ mất nước trong mùa hè Bơi lội – “liều thuốc vàng” cho sức khỏe trong mùa hè Hành trình mùa hè sôi động đánh thức thị trường du lịch Việt |
Những chiêu trò không mới nhưng ngày càng tinh vi
![]() |
Các đối tượng lừa đảo ngày nay rất giỏi thao túng tâm lý và khai thác những sơ hở trong hành vi sử dụng công nghệ của người tiêu dùng. |
Khi nhu cầu du lịch tăng cao, đặc biệt vào dịp hè – mùa cao điểm của ngành du lịch, các đối tượng lừa đảo cũng gia tăng hoạt động với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhắm vào sự nhẹ dạ, thiếu kinh nghiệm và tâm lý ham rẻ của khách hàng.
Một trong những chiêu trò phổ biến nhất là giả mạo fanpage hoặc website của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Những fanpage này được thiết kế rất chuyên nghiệp, sử dụng hình ảnh bắt mắt, nội dung cập nhật thường xuyên, thậm chí còn có cả dấu tích xanh, khiến người dùng hoàn toàn tin tưởng.
Lợi dụng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội, các fanpage giả thường đăng tải các chương trình khuyến mãi “giá sốc”, kèm theo dòng thông báo “chỉ còn 1-2 phòng” nhằm tạo cảm giác cấp bách. Sau khi khách hàng chuyển khoản đặt cọc, fanpage lập tức cắt đứt liên lạc.
Không chỉ dừng lại ở việc lừa đảo đặt phòng, nhiều đối tượng còn giả mạo các hãng hàng không hoặc đại lý bán vé máy bay chính thức. Họ yêu cầu khách chuyển khoản nhanh để “giữ vé rẻ”, sau đó biến mất hoặc cung cấp mã vé giả. Khi khách đến sân bay mới phát hiện sự thật thì đã quá muộn.
Ngoài ra, các chiêu trò lừa đảo còn mở rộng sang các hình thức như gửi đường link giả để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt mã OTP, mật khẩu, hoặc giả danh nhân viên tư vấn qua video call với giọng nói chuyên nghiệp, kèm âm thanh nền như tổng đài thật nhằm tăng độ tin cậy. Thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp nạn nhân mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vì sập bẫy những chiêu trò này.
Đơn cử như vụ việc chị V.T.T bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng tại một khu nghỉ dưỡng “ảo” ở Ninh Bình thông qua một fanpage có tích xanh. Kẻ gian đã tư vấn rất nhiệt tình, liên tục tạo áp lực tâm lý bằng các chiêu như thông báo “sắp hết phòng”, “lỗi giao dịch cần xử lý gấp”, rồi hướng dẫn chị thực hiện lệnh chuyển tiền bằng cách nhập mã vào ứng dụng ngân hàng với nội dung mập mờ.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, các đối tượng lừa đảo ngày nay rất giỏi thao túng tâm lý và khai thác những sơ hở trong hành vi sử dụng công nghệ của người tiêu dùng. Việc sử dụng mạng xã hội để thanh toán, đặt dịch vụ du lịch tuy mang lại sự tiện lợi, nhưng cũng dễ bị lợi dụng khi người dùng thiếu thói quen xác minh thông tin và chưa ý thức đầy đủ về bảo mật cá nhân.
Vì sao du khách dễ rơi vào bẫy và làm gì để tự bảo vệ?
![]() |
Du khách cần nghiên cứu kỹ để tránh sập bẫy lừa đảo tour du lịch giá rẻ. |
Không thể phủ nhận một thực tế: sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã mang lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch – đặt phòng, đặt vé, chọn tour chỉ với vài thao tác. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi ấy cũng tạo ra khoảng trống lớn để các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Theo khảo sát của Viện Kinh tế Mastercard, du lịch là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ bị lừa đảo trực tuyến cao nhất. Vào mùa cao điểm như mùa hè, số vụ gian lận tăng trung bình tới 18%. Đáng chú ý, không chỉ các tour quốc tế mà cả những điểm đến trong nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cũng trở thành “điểm nóng” của các hoạt động lừa đảo, đặc biệt thông qua giao dịch trực tuyến.
Một nguyên nhân quan trọng khiến du khách dễ bị lừa là tâm lý chủ quan. Khi thấy fanpage có tích xanh, nhiều người tin tưởng tuyệt đối mà không kiểm tra kỹ các yếu tố khác như lịch sử hoạt động, địa chỉ liên hệ, số điện thoại tổng đài hay phản hồi từ khách hàng trước đó. Trong khi đó, các đối tượng hoàn toàn có thể mua lại tài khoản cũ đã có tích xanh, rồi đổi tên để “tái sinh” thành fanpage mang thương hiệu du lịch.
Bên cạnh đó, thói quen ham rẻ cũng là “đòn bẩy” giúp các chiêu trò lừa đảo hoạt động hiệu quả. Những chương trình khuyến mãi kiểu “giá sốc chưa từng có”, “ưu đãi cuối cùng trong ngày”, “tour 3N2Đ chỉ 1 triệu đồng” dễ khiến khách hàng mất cảnh giác. Trong khi đó, giá cả luôn phản ánh một phần chất lượng dịch vụ. Nếu thấy mức giá quá rẻ so với mặt bằng chung, đó là lúc cần đặt dấu hỏi lớn và kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi giao dịch.
Luật sư Trần Tuấn Anh khuyến cáo, để tránh bị lừa, người tiêu dùng nên ưu tiên giao dịch qua các kênh chính thức như website của khách sạn, hãng hàng không hoặc các sàn thương mại điện tử lớn có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng. Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân lạ hoặc thực hiện giao dịch theo các hướng dẫn mập mờ, đặc biệt khi không rõ ràng về tên công ty, địa chỉ, mã số thuế. Không bao giờ cung cấp mã OTP, mật khẩu ngân hàng hay thông tin cá nhân cho bất kỳ ai qua mạng xã hội hay ứng dụng chat.
Đặc biệt, cần kiểm tra fanpage một cách cẩn trọng, tránh nhầm lẫn giữa tích xanh thật và tích xanh “mua lại” hoặc giả mạo. Nên đối chiếu thông tin với các kênh chính thức của doanh nghiệp. Luôn nghi ngờ trước những lời chào mời quá hấp dẫn, mức giảm giá sâu bất thường. Hãy tự hỏi: “Liệu một dịch vụ chất lượng thật sự có thể bán với giá rẻ như vậy không?”
Khi có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người tiêu dùng nên lưu lại toàn bộ bằng chứng như tin nhắn, thông tin tài khoản nhận tiền, hình ảnh fanpage để báo cho cơ quan chức năng và cảnh báo cộng đồng. Một kỳ nghỉ lý tưởng không chỉ đến từ điểm đến đẹp hay dịch vụ chất lượng, mà còn đến từ sự an toàn và yên tâm trong suốt hành trình.
Trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp, việc trang bị kiến thức phòng tránh là điều cần thiết với mỗi người tiêu dùng. Sự tỉnh táo trong kiểm tra thông tin, không vội vàng trước những lời mời gọi “mật ngọt” và chủ động xác minh qua các kênh đáng tin cậy sẽ là “tấm khiên” hữu hiệu giúp bạn bảo vệ tài chính và tinh thần của mình trong mùa du lịch.