Cà Mau: Sẵn sàng cho mô hình tôm - lúa
|
Ngày 5/10, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức Diễn đàn tôm Việt 2020 với chủ đề “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm – lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Sự kiện thu hút trên 400 diễn giả, đại biểu là các nhà khoa học tại các viện, trường trong cả nước và nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng tham gia.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát triển mô hình tôm - lúa theo hướng sản xuất bền vững, hữu cơ “Lúa thơm – Tôm sạch” tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Phát triển bền vững mô hình tôm – lúa |
Đặc biệt chú trọng việc nâng cao trình độ kỹ thuật; liên kết chặt chẽ từ cung cấp đầu vào đến đầu ra của tôm và lúa, nhất là các giống lúa mới có chất lượng và giá bán cao như ST24, ST25, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng tôm, lúa. Các đại biểu cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sao cho mô hình phát triển ổn định, bền vững và thân thiện môi trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đáng chú ý, có nhà khoa học đã kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long về cơ chế, chính sách phù hợp để định hướng xây dựng phát triển sản xuất tôm - lúa theo hướng hữu cơ, bền vững gắn với điều kiện tự nhiên, sinh thái và mô hình canh tác của vùng.
Mô hình tôm - lúa được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, mô hình tôm - lúa được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững, là mô hình sản xuất không tác động xấu tới môi trường xung quanh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay với mức đầu tư phù hợp với đa số các hộ nông dân trong vùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề tồn tại của ngành như là việc quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; người dân sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún; kinh nghiệm trong sản xuất của người dân chưa nhiều, chủ yếu vẫn canh tác theo tập quán cũ, một bộ phận thiếu vốn đầu tư cũng như thiếu các thông tin kỹ thuật mới, nguy cơ rủi ro do bệnh dịch trên tôm, sâu bệnh trên lúa cao đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến hiệu quả kinh tế trung bình của mô hình này nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Đình Luân khẳng định: Mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm). Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng, các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.
Cùng với quá trình biến đổi khí hậu gia tăng, mô hình sản xuất tôm - lúa phát triển mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mô hình tôm - lúa được ưu tiên phát triển nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn, đây được nhận diện là mô hình thuỷ sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu so với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản khác.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi tôm lúa mặn – lợ có thể nuôi 2 vụ, một vụ tôm và một vụ lúa. Diện tích nuôi tôm - lúa khá lớn, hiệu quả kinh tế cao trung bình đạt 60 - 70 triệu đồng/ha/năm.