TT lúa gạo châu Á: Giá gạo xuất khẩu Việt Nam chạm đáy hơn 16 tháng Tháng 6/2021, xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường chủ đạo đều sụt giảm |
Giá gạo xuất khẩu giảm sâu
Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD/ tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8, giảm mạnh 83 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 (390 USD/tấn).
Không riêng gạo đồ của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này cũng đã giảm xuống mức thấp do cầu thị trường yếu. Hiện gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ở mức 352 - 356 USD (giảm mạnh so với mức 383 USD/tấn hồi đầu tháng 7/2021).
Dịch Covid -19 kéo giá gạo xuất khẩu xuống mức thấp |
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387- 400 USD / tấn trong tuần này, từ 380- 395 USD/ tấn một tuần trước đây, song vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.
Như vậy giá gạo của Việt Nam hiện ở mức thấp hơn Thái Lan và tiệm cận với gạo của Ấn Độ, trong khi hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua giá gạo Việt luôn cao hơn gần 100 USD so với gạo Ấn Độ.
Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu
Lý giải nguyên nhân giá gạo giảm, các thương nhân xuất khẩu cho biết, do nhu cầu thấp và chi phí vận chuyển cao hơn, trong khi đó Covid-19 bùng phát cũng làm hạn chế khả năng giao hàng của doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex - cho biết: Nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7/2021 dồn qua thì tháng 8 này, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy vậy theo báo cáo của bên giao nhận, khả năng đi được tối đa chỉ 30.000-35.000 tấn. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Theo ông Đỗ Hà Nam nguyên nhân chưa xuất được hàng do: Các cảng đang thiếu công nhân do nhiều địa phương không cho cảng tập trung đông, phải giãn cách 2m, dẫn tới không bốc xếp hàng từ xe lên băng chuyền để đưa vào container; Đơn hàng xuất đi châu Phi không có tàu lớn vào do lo ngại dịch bệnh; xà lan đi từ địa phương lên khó, bị giữ lại, không vào bốc hàng được…
Ông Trần Ngọc Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vinh Phát cho biết, hiện doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án 1 cung đường 2 địa điểm, tuy nhiên khi thu mua lúa gạo phải vào trong các vùng dân cư nên không kịp về trước 6 giờ tối theo quy định của các địa phương nên đành bỏ lúa ngoài đồng.
Ông Trần Ngọc Trung cũng cho biết đối với các hợp đồng mới hầu như không doanh nghiệp nào dám ký vì diễn biến thị trường còn tùy thuộc vào dịch bệnh. “Hiện hàng tồn kho của chúng tôi còn nhiều nên chỉ khi giải tỏa hết doanh nghiệp mới tiếp tục ký mới. Đó là chưa kể chi phí vận chuyển hiện ở mức quá cao cũng cản trở hoạt động xuất khẩu”- ông Vinh chia sẻ.
Các thương nhân xuất khẩu cho biết, giá gạo xuất khẩu giảm do nhu cầu thấp và chi phí vận chuyển cao hơn, trong khi đó Covid-19 bùng phát cũng làm hạn chế khả năng giao hàng của doanh nghiệp. |
Ông Phan Xuân Quế - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là phải xác định nhiệm vụ mang tính ưu tiên trong giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp đã có hợp đồng, có đầu ra nhưng lại đang ách tắc chưa thể xuất khẩu.
Về xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm nay, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến hết tháng 7/2021 Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,6 triệu tấn, trị gá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việc xuất khẩu sụt giảm do tác động của dịch bệnh cũng như căng thẳng cước tàu biển kéo dài.
Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định rằng, hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành hàng và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.
Tháo gỡ từ sản xuất – lưu thông – xuất khẩu
Trước khó của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tập trung tháo gỡ 3 khía cạnh vướng mắc hiện tại về sản xuất – lưu thông – xuất khẩu cho Doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ GTVT làm việc với hệ thống cảng, các địa phương để tháo gỡ ách tắc trong khâu giao nhận hàng hóa, tránh ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp; tạo chính sách “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo đường thủy nội địa theo hai cung đường: Cánh đồng về nhà máy, nhà máy đến các cảng logistics.
Đồng thời, yêu cầu các hãng tàu, các doanh nghiệp logistic phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container cũng như có sự điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Mặt khác, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất việc áp dụng ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng, logistics ngành lúa gạo trên đường thủy, đường bộ. Đặc biệt, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa cho nông dân, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như tăng mức hạn vay, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay, giải ngân vốn nhanh cho doanh nghiệp.