Nâng cao chuỗi giá trị cho trái dừa
Dừa là một trong 2 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh (cùng với lạc) được tỉnh Trà Vinh chọn nâng cấp chuỗi giá trị
Trà Vinh hiện có diện tích dừa lớn thứ 2 (sau tỉnh Bến Tre), khoảng 3 triệu cây với hơn 21.400 ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2001. Trong đó diện tích dừa đang cho trái hơn 17.200 ha. Năng suất bình quân đạt 15,3 tấn/ha, tăng 17% so năm 2001, tương đương 220 triệu quả.
Đặc biệt Trà Vinh có đặc sản giống dừa sáp độc đáo. Tỉnh đã nuôi cấy phôi dừa sáp được 2 ha và 70 ha đạt chứng nhận VietGAP, tỷ lệ sáp đạt 25-30%, tương đương mức cho trái trên 4.000 trái sáp/năm và xây dựng nhãn hiệu độc quyền dừa sáp Cầu Kè.
Trong những năm qua đã có một số doanh nghiệp đến Trà Vinh tham gia liên kết sản xuất với nông dân trồng dừa.
Trong đó, công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã được đánh giá tái chứng nhận dừa hữu cơ đạt 3 tiêu chuẩn Quốc tế (Châu Âu - EU, Mỹ - USDA và Nhật Bản - JAS) với 330 ha của 348 hộ dân tại xã Đại Phước, huyện Càng Long.
Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh đang xây dựng và mở rộng 200 ha vườn dừa hữu cơ tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần và 150 ha tại xã Long Đức, TP Trà Vinh.
Tỉnh Trà Vinh định hướng dừa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Nông dân có truyền thống thâm canh cây dừa lâu đời.
Cây dừa tươi tốt bạt ngàn trên đất Trà Vinh đã chứng minh lợi thế phù hợp thổ nhưỡng, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Hơn nữa dừa là loại cây dễ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ hơn các loại cây khác.
Vì vậy tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phát huy hiệu quả kinh tế theo xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh.
Các Hợp tác xã nông nghiệp ở Trà Vinh hiện cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm từ cây dừa: Trái dừa, các phụ phẩm từ dừa như lá, xơ, yếm, hoa, sọ… là nguồn nguyên liệu chính tạo thêm việc làm cho các ngành nghề thủ công, chế biến thực phẩm, than hoạt tính xuất khẩu.
Giải pháp chính nâng cấp chuỗi giá trị dừa
Tỉnh Trà Vinh tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp liên kết tham gia vào chuỗi giá trị dừa
Để phát triển bền vững ngành hàng dừa, hạn chế những rủi ro do biến động về giá cả thị trường, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch hành động nâng cấp chuỗi giá trị dừa với nhiều mục tiêu, chiến lược và giải pháp.
Theo đó, tỉnh phát triển ngành hàng dừa theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu đối với các dòng sản phẩm chủ lực có lợi thế phát triển của cây dừa tại tỉnh.
Cụ thể, tỉnh xây dựng 3 nhóm giải pháp chính để nâng cấp chuỗi giá trị dừa, gồm: cải tiến công nghệ, kỹ thuật; phát triển thị trường; nâng cao vai trò hỗ trợ phát triển của các ban, ngành, dự án.
Để cải tiến công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh ngành hàng dừa, tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ xây dựng đề án phát triển cây dừa, chọn giống dừa thích nghi hạn mặn, cho năng suất cao và có thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ chứng nhận vùng trồng dừa đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Các ngành chuyên môn tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ nông dân thay thế giống dừa, cải tiến kỹ thuật canh tác dừa; cơ giới hoá khâu vận chuyển, sơ chế và đóng gói ngành chỉ xơ dừa; cải tiến công nghệ sản xuất than gáo dừa thân thiện môi trường…
Thực hiện giải pháp phát triển thị trường, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm từ dừa, mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nước dừa đóng hộp, bột dừa, đồ thủ công mỹ nghệ...; nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và tiếp cận thị trường; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị dừa…
Đối với việc nâng cao vai trò hỗ trợ phát triển của các hiệp hội, ban ngành và dự án, tỉnh Trà Vinh tập trung các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời hình thành mạng lưới cung cấp dừa trái cho nhà máy chế biến dừa, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và kết nối thị trường trong, ngoài nước…
Khánh Hòa