Xuất khẩu cá tra tăng trở lại sau 2 tháng liên tiếp sụt giảm. |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 580 triệu USD cá tra, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 168 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tháng 4/2024, xuất khẩu cá tra tăng trở lại sau 2 tháng liên tiếp sụt giảm.
Về thị trường, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU khá sôi động trong tháng 4/2024 với hơn 17 triệu USD, tăng 13% so với tháng 4/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm nay sang EU đạt 56 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 4/2024, Đức vượt Hà Lan trở thành điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong khối EU với giá trị 4,6 triệu USD, tăng gần gấp đôi tháng 4/2023 trong khi Hà Lan nhập khẩu 4,3 triệu USD.
Ngoài ra, tháng 4/2024 cũng ghi nhận nhiều thị trường trong khối tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Lithuania tăng 215%, Tây Ban Nha tăng 69%, Bỉ tăng 62%, Hy Lạp tăng 46%, Bồ Đào Nha tăng 15%...
Xuất khẩu cá tra sang EU trong tháng 4 cũng tích cực hơn sau khi diễn ra Triển lãm Thủy sản toàn cầu 2024 tại Tây Ban Nha.
Theo đó, EU được các doanh nghiệp cá tra đánh giá là thị trường cần tập trung nhiều hơn vì nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng rất lớn. Bên cạnh tập trung các mặt hàng giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn xanh vào thị trường này, các hoạt động truyền thông, tiếp thị cho mặt hàng cá tra tại thị trường này cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong tháng đầu tiên của QII/2024, Trung Quốc & HK tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam với hơn 41 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm nay sang thị trường này đạt gần 153 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do sụt giảm trong tháng 2 và tháng 3/2024.
Còn tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra có tín hiệu khả quan hơn khi quốc gia này nhập khẩu gần 38 triệu USD cá tra trong tháng 4/2024, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 4/2024, siêu cường này tiêu thụ hơn 102 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng 19% so với cùng kỳ.
Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ hồi tháng 3 vừa qua có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam, cũng có thể giúp tăng nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường này.
Ngoài ra, các nguồn cung cá thịt trắng cho Mỹ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Tháng 4/2024, khối thị trường CPTPP mua từ Việt Nam gần 22 triệu USD cá tra, tăng 13% so với tháng 4/2023. Trong đó Mexico vẫn là quốc gia tiêu thụ cá tra nhiều nhất trong khối, với giá trị nhập khẩu đạt hơn 6 triệu USD trong tháng 4, giảm 14% so với cùng kỳ.
Tình hình xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản và Singapore đều ghi nhận tăng trưởng dương lần lượt 68% và 14% với giá trị tương ứng 4 triệu USD và 3 triệu USD trong tháng đầu tiên của QII/2024. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang CPTPP 4 tháng đầu năm nay đạt 81 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP cho rằng, xuất khẩu cá tra trong tháng 4/2024 đã khả quan hơn, tuy nhiên các thị trường nhập khẩu vẫn có xu hướng thận trọng do những ảnh hưởng của lạm phát và tồn kho.
Điển hình là Trung Quốc khi thị trường này tăng mạnh nhập khẩu cá tra trong tháng 1/2024 để phục vụ Tết Nguyên đán, sau đó giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 3, tháng 4 tăng nhẹ trở lại. Lượng tiêu thụ khổng lồ của hàng tỷ dân tại Trung Quốc là mục tiêu của nhiều nguồn cung khác nhau. Việc có nhiều lựa chọn hơn khiến các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc luôn tìm cách mua vào với giá thấp phục vụ nhu cầu tiêu thụ và chế biến xuất khẩu.
Kỳ vọng tồn kho giảm, giá cá tăng để tạo ra các điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng trưởng khả quan |
Cá rô phi "khan" nguồn cung, cơ hội cho cá tra Việt Nam |
Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Hoa Kỳ đạt cao nhất kể từ đầu năm |