Cơ hội cho hạt gạo Việt chinh phục thị trường châu Phi |
Năm 2023, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng gạo của châu Phi trong niên vụ 2022/2023 dự báo đạt 24,3 triệu tấn, tăng 1,7% so với niên vụ 2021/2022. Trong đó khu vực Bắc Phi ước đạt 3,6 triệu tấn, tăng 23,7% và khu vực châu Phi hạ Sahara ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 1,2%.
USDA cũng ước tính sản lượng gạo tiêu thụ và dự trữ toàn châu Phi trong năm 2023 đạt trên 42,2 triệu tấn, tăng hơn 570.000 tấn so với năm 2022. Trong đó, khu vực Bắc Phi đạt khoảng 4,4 triệu tấn, tăng 50.000 tấn; khu vực châu Phi hạ Sahara đạt khoảng 37,5 triệu tấn, tăng 300.000 tấn.
Trong nhiều năm qua, mặc dù diện tích gieo cấy lúa tại châu Phi đã được mở rộng nhưng sản lượng gạo sau thu hoạch tại các nước thuộc châu lục này vẫn ở mức thấp so với thế giới và bị hạn chế bởi một số yếu tố như giống lúa chất lượng thấp, ít cải tiến, điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, cơ sở hạ tầng canh tác nông nghiệp kém phát triển, nguồn lực hạn chế, dịch hại, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản yếu kém... Nhìn chung, sản xuất gạo của châu Phi dự báo sẽ chưa bắt kịp được mức tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân và gia tăng dân số của khu vực.
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi để đáp ứng nhu cầu về gạo ước khoảng trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn, giảm 4,5%.
Nguyên nhân giảm lượng nhập khẩu gạo năm 2023 là do từ nửa cuối năm 2022, nhiều nước tại châu Phi đã chủ động nhập khẩu gạo để dự trữ, phòng trường hợp giá lương thực lại tiếp tục tăng do hệ lụy từ xung đột Nga – Ukraine kéo dài.
Doanh nghiệp gạo Việt Nam cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường châu Phi để tránh rủi ro |
Về thị trường, trong thời gian tới, nguồn cung cấp gạo nhập khẩu chính của châu Phi vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm.
Hiện nay, gạo nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của châu Phi, bất chấp những nỗ lực hướng đến khả năng tự cung tự cấp của nhiều nước.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Việt Nam xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi với khối lượng đạt trên 600.000 tấn, trong đó các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Ghana, Côte d’Ivoire, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập...
Thị hiếu tiêu thụ gạo của thị trường châu Phi là gạo hạt dài, khi nấu rời hạt (không dính), gạo đồ, gạo thơm, trong khi với Ghana, Senegal, người dân lại thích gạo cứng. Vì vậy cơ quan này khuyến nghị đối với thị trường châu Phi, Việt Nam cần đáp ứng nhu cầu của thị trường này bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng và các điều kiện thanh toán, giao thương tại các nước châu Phi.
Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hoá sang châu Phi, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, để không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà còn cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý để tránh rủi ro.
Do vậy, trước khi giao dịch, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần, các cơ quan chức năng như thương vụ có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh.