Giá vàng hôm nay 3/3/2024: Vàng trong nước tăng mạnh Giá vàng tăng kỷ lục, nhà đầu tư có nên bán chốt lời? Giá vàng hôm nay 4/3/2024: Vàng trong nước neo ở mức cao |
Cần sớm có những tháo gỡ để thị trường vàng phát triển an toàn, bền vững. |
Từ chuẩn bị tiền đề
Trước biến động giá vàng và mức chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, trong đó có chỉ đạo liên quan đến thị trường vàng.
Chỉ thị nêu rõ: “Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I năm 2024”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước có nhiều động thái tích cực để đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 cũng như đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp. Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 10064 về việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đá quý bao gồm các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán.
Các chuyên gia tài chính đánh giá, đây là bước chuẩn bị để Ngân hàng Nhà nước nhập nguyên liệu về gia công vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
Đầu tháng 1/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng, có hiệu lực từ ngày 2/1/2024. Theo đó, Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng, và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
Dù vậy, Quyết định 02 chỉ là bước nhỏ để Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp thị trường nhằm ổn định giá vàng. Việc sửa đổi Nghị định 24 mới là điều mà dư luận quan tâm.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2024, khi nói về việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, dù nhiều loại vàng hay không, mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân.
"Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới” - ông Đào Minh Tú nói thêm.
Đến các cách tháo “nút thắt” nguồn cung
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. Ảnh: VGP |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để giải quyết được chênh lệch giá vàng hiện nay phải tháo gỡ được “nút thắt” nguồn cung.
Nhận định về việc Nghị định 24 đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… đã có rất nhiều thay đổi, trong khi Nghị định 24 vẫn duy trì như cũ. Do đó, rất cần thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định này theo hướng không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. Cùng với đó, có thể để nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Tâm lý càng khan hiếm càng giá tăng, càng đi mua. Giờ không khan hiếm nữa thì sẽ đỡ hơn", GS,TS. Hoàng Văn Cường phân tích.
Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế. Thị trường vàng là một thị trường liên thông quốc tế rất mạnh. Sự biến động của thị trường quốc tế ngày hôm nay thế này thì thị trường quốc gia khác biến động ngay lập tức. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn cần phải quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỉ giá.
GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng cho rằng cần phải có các phương thức giao dịch đa dạng hơn để hạn chế mua bán vàng vật chất. Xu thế giao dịch của thế giới hiện nay là kinh doanh trên sàn giao dịch thông qua hợp đồng kinh doanh, thông qua các tín chỉ về vàng. Nếu mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản thì thị trường sẽ không bị lệ thuộc vào việc nhập khẩu nhiều hay ít vàng vào. Thay vào đó, có thể sử dụng các công cụ như công cụ phái sinh để cân đối được cung cầu.
"Điều này sẽ giúp việc điều hành thị trường vàng linh hoạt hơn và không còn tình trạng người dân mua vàng về xong để trong nhà tích trữ, làm chết một khối lượng tiền ở đấy. Khi chúng ta giao dịch vàng trên tài khoản thì người ta không nhất thiết phải mang vàng về nhà, không phải mất công cất trữ. Vàng đó được lưu thông ở trên thị trường, sẽ tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân", GS.TS. Hoàng Văn Cường nói.
Về vấn đề này, TS. Trần Thọ Đạt cho rằng việc quản lý thị trường vàng, huy động vàng trong dân, quản lý theo Nghị định 24 như vừa qua hay quản lý theo cơ chế thị trường, phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế đều hướng tới mục tiêu chung là hoạt động của thị trường vàng cần lành mạnh, ổn định và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
TS. Trần Thọ Đạt đánh giá, hiện tại NHNN quản lý thị trường vàng khá chặt chẽ, hơi mang tính hành chính. Phương thức này phù hợp với bối cảnh năm 2012 khi thị trường vàng có nhiều bất ổn nên chúng ta phải có các giải pháp tình thế mang tính hành chính. Sự chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới trong hơn 2 năm qua đến nay vẫn chưa có sự thay đổi.
"Tôi cho rằng sự e ngại, do dự của nhà quản lý có vấn đề của nó, có căn nguyên là e ngại nếu chúng ta mở cửa thị trường vàng này thì có thể hiện tượng vàng hoá, bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ quay lại. Sự e ngại này có thể hiểu được. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, nhờ việc triển khai khá đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp hạn chế tình trạng "đô la hoá", gần như chấm dứt tình trạng vàng hoá trong nền kinh tế thì sự e ngại đó cơ bản là không còn. Đã đến lúc chúng ta thấy rằng Nghị định 24 hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và cần có sự thay đổi", TS. Trần Thọ Đạt nhận định.
Về đề xuất hướng giải pháp, TS. Trần Thọ Đạt cho rằng thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường. Đồng thời, phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng. Và điều cuối cùng là quản lý thị trường vàng phải có giải pháp thích hợp để huy động được khối lượng vàng lớn ước tính có khoảng 400 tấn vàng trong dân.
Trả lời VOV, ông Trần Duy Phương, một chuyên gia vàng cho rằng, sau hơn 10 năm Nghị định 24 ra đời, Nhà nước đã đạt được mục tiêu chống lại tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường vàng phát sinh vấn đề mới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, nhất là vàng miếng SJC. Để giải quyết được tình trạng này thì phải tháo được "nút thắt" nguồn cung vàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để cung cấp cho thị trường sản xuất nữ trang, nhẫn và vàng miếng.
Theo ông Duy Phương, Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra nhập vàng nguyên liệu về cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước hoặc cấp hạn mức cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Ông Duy Phương cho rằng: “Chúng ta sửa đổi Nghị định 24 nếu không có giải quyết vấn đề cho nhập khẩu vàng nguyên liệu thì tất cả các biện pháp khác thì chỉ là trấn an tinh thần, chứ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của thị trường hiện nay. Nếu không cho nhập vàng nguyên liệu mà để thị trường định đoạt giá thì doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vàng ở ngoài và gom đô la để nhập vàng thì sẽ gây áp lực lên tỷ giá”.
Phó giáo sư -Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính thì cho rằng, Nghị định 24 vẫn nên tiếp tục duy trì thị trường vàng có sự quản lý đặc biệt của Nhà nước.
Những điểm cần sớm thay đổi, đầu tiên phải là vấn đề độc quyền vàng miếng SJC và tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, vàng là ngành kinh doanh có điều kiện, nên chỉ có những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được nhập khẩu.
Đồng thời, không thể để nhập khẩu tự do mà cần có hạn mức nhập khẩu vàng. Vấn đề là hạn mức đó được quyết định dựa trên những yếu tố kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, tiết kiệm, tỷ giá, lạm phát… thế nào và theo chu kỳ, thời gian ra sao?
Giá vàng hôm nay 1/3/2024: Vàng trong nước neo trên 79 triệu đồng/lượng |
Giá vàng hôm nay 2/3/2024: Vàng trong nước tăng sốc |
Thủ tướng thúc NHNN sớm trình sửa đổi nghị định về quản lý thị trường vàng |