![]() |
Với khoảng 1,2ha vải thiều của gia đình anh Ngô Văn Cường (xã Phúc Hòa) đã được doanh nghiệp ký kết, bao tiêu với mức giá 35 nghìn đồng/kg. |
Khơi thông thị trường cho trái vải chín sớm
Tân Yên là huyện nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang với thương hiệu vải sớm. Năm 2023, diện tích vải thiều của huyện ước đạt 1.340ha; trong đó, vải thiều sớm là 1.170ha. Sản lượng quả vải dự kiến khoảng 17 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm Tân Yên trong khoảng từ ngày 30/5 đến ngày 25/6/2023.
Với chất lượng lâu nay đã được khẳng định, từ đầu tháng 4, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu, tiêu thụ vải đã đến Tân Yên khảo sát. Huyện dự kiến khoảng 9.000 tấn vải tiêu thụ thị trường trong nước và 8.000 tấn tiêu thụ thị trường ngoài nước, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…
Theo ông Ngô Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên: Sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên luôn có chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều…
![]() |
Vùng vải thiều chín sớn Tân Yên bước vào vụ thu hoạch. |
Đánh giá về trái vải sớm huyện Tân Yên, ông Nguyễn Văn Thiết - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa - cho hay: Vải sớm Tân Yên được người tiêu dùng đánh giá cao vì chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp. Năm nay, Hợp tác xã vẫn đẩy mạnh tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với xuất khẩu, vải sớm chủ yếu xuất đi Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, EU, Mỹ.
Theo kế hoạch, cùng với kênh tiêu thụ qua các thương nhân, chợ đầu mối, năm nay tỉnh Bắc Giang nói chung và Tân Yên nói riêng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Alibaba, Lazada, Sendo, Viettel Post... Đồng thời kết nối sản phẩm vải thiều của các hợp tác xã, nhà vườn với các tập đoàn bán lẻ, siêu thị lớn trong nước.
Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để xuất khẩu vải thiều đến các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản… các địa phương cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường mới, tiềm năng như khu vực Nam Mỹ, châu Phi…
Người dân thấp thỏm vì giá vải xuống thấp
Được đánh giá là có một vụ vải được mùa, cho năng suất cao và chất lượng vải đạt chuẩn xuất khẩu, tuy nhiên mới chớm vào vụ thu hoạch nhiều địa phương ở Vùng vải thiếu Tân Yên đã thấp thỏm lo âu vì giá vải xuống thấp. tại xã Phúc Hòa giá vải đầu mùa liên tục rớt giá, hiện còn 10.000 - 18.000 đồng/kg, khiến nhiều người dân trồng vải lại lo lắng về một vụ "được mùa - mất giá".
Ngay từ sáng sớm, người dân trồng vải tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) đã bắt đầu nhộn nhịp thu hoạch vải thiều chín sớm, khắp cung đường ngõ xóm dẫn vào những vựa vải là hàng đoàn xe nườm nượp đổ về chợ đầu mối xã Phúc Hòa để bán cho các thương lái, tiêu thương. Theo khảo sát, giá vải trong ngày 31/5 dao động từ 10.000 – 18.000 nghìn đồng/kg tùy từng loại.
Ông Bùi Văn Thúy thôn Khe Tán (xã Phúc Hòa) cho biết, năm nay giá vải thiều bấp bênh hơn mọi năm, công chăm sóc thì vất vả, đến khi thu hoạch đem bán thì mỗi hôm một giá biến động không ngừng.
“Ngay ngày 30/5 thì tôi vẫn bán được từ 19-20 nghìn đồng/kg, hôm sau mang ra chợ bán thì xuống còn 10-15 nghìn đồng/kg. Gia đình tôi trồng khoảng 100 cây, sau khi trừ tất cả các chi phí sau khi thu hoạch thì không có lãi”- ông Thúy buồn rầu nói.
![]() |
Chị Vi Thị Ngọc - thương lái ở xã Giáp Sơn cho biết: Năm nay giá vải thiều thất thường đến ngày 31/5 thì còn khoảng 10-18 nghìn đồng/kg. |
Chị Vi Thị Ngọc - thương lái ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay giá vải thiều thất thường lắm, tuy nhiên sản lượng xuất khẩu đi các thị trường tiêu thị thì vẫn đều từ 10-20 tấn/ngày. Trong đó, ngay từ đầu vụ thì thương lái vẫn cân được cho bà con với giá 30-36 ngìn đồng/kg. Tuy nhiên đến ngày hôm nay 31/5 thì còn khoảng 10-18 nghìn đồng/kg.
“Nguyên nhân thì chúng tôi chưa nắm được rõ, nhưng trước mắt hiện hữu giá vải thiều “nhảy múa” liên tục như vậy khiến người dân trồng vải thiều có nguy cơ méo mặt”- chị Ngọc chia sẻ.
Nhiều giải pháp tìm đầu ra cho trái vải
Để giúp người dân có mức thu nhập ổn định từ việc trồng vải, UBND huyện Tân Yên đã chủ động nắm bắt diễn biến tình hình tiêu thụ của bà con, hướng dẫn bà con sớm chuyển đổi mô hình trồng canh tác. Trong đó chú trọng trồng những mã vùng trồng vải thiều đi xuất khẩu thì sẽ cam kết được đầu ra, bao tiêu sản phẩm cũng như chất lượng để tránh tình trạng điệp khúc “được mùa thì mất giá”.
Anh Ngô Văn Cường thôn Quất Du 2 (xã Phúc Hòa) cho biết, năm nay chất lượng vải thiều có độ nhỉnh hơn năm ngoái vì thời tiết nắng nhiều lên vải có độ ngọt, thanh. Tuy nhiên về mặt sản lượng thì lại thấp hơn so với năm ngoái do trong thời gian cây sinh trưởng bị rụng sinh lý khiến đọng quả non tương đối nhiều, nhưng vẫn duy trì được mẫu mã chất lượng tương đối tốt.
“Để làm ra sự khác biệt giữa quả vải đi xuất khẩu so với quả vải thông thường thì người dân chúng tôi phải đầu tư nhiều hơn từ phân bón hữu cơ đến công nhân lao động. Vì vải thiều đi xuất khẩu lao động phải duy trì được lượng dư thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kết hợp với việc xử dụng chế phẩm sinh học tại vườn lên mất thời gian hơn. Với khoảng 1,2ha vải thiều xuất khẩu đi Nhật, EU giá chúng tôi được doanh nghiệp ký kết, bao tiêu sản phảm với mức giá 35 nghìn đồng/kg”- anh Cường chia sẻ.
Huyện Tân Yên với diện tích 1.340 ha, trong đó sản lượng vải thiều toàn huyện ước đạt hơn 15,5 nghìn tấn. Đặc biệt vải thiều chín sớm Tân Yên là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, diện tích chủ yếu ở xã Phúc Hòa với quy mô vùng tập trung lớn nhất tỉnh với gần 700 ha; thời gian thu hoạch từ ngày 30/5 đến 25/6/2023.
![]() |
Huyện Tân Yên và tỉnh Bắc Giang có nhiều giải pháp nhằm chủ động thị trường tiêu thụ vải thiều. |
Ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay tỉnh Bắc Giang sớm chủ động thích ứng cung cầu, bằng nhiều hoạt động phương thức thông tin cho doanh nghiệp và tổ chức những đoàn công tác nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn tại các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.
“Ngay từ cuối tháng 4 tỉnh Bắc Giang đã chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại và ký kết gần 40 hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều với sản lượng ước tính khoảng trên 110 nghìn tấn. Đặc biệt, huyện Tân Yên, Lục Ngạn đã chủ động tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Qua đó tiếp tục mở rộng thị trường giúp trái vải thiều tỉnh Bắc Giang bay cao, bay xa hơn nữa không chỉ ở 30 nước trên thế giới ”- ông Tấn nói.
Ngoài ra, Bắc Giang còn tiêu thụ vải thiều ở các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị (Central Retail, Mega Market, Saigon Co.op, Hapro, Aeon, Lotte, Winmart…); các chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ... và trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon…); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube…
Đối với thị trường xuất khẩu, Bắc Giang dự kiến tiêu thụ khoảng 99.000 tấn vải thiều (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng, tăng 16,9% so với năm 2022), tập trung chủ yếu thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…
Trái vải thiều là nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang, đây cũng là địa phương có nhiều giải pháp hiệu quả để xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường cho trải vải từ nhiều năm nay. Hiện tượng vải chín sớm rớt giá ở một số xã ở Tân Yên chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp khi lượng vải thu hoạch nhiều. Để nâng cao giá trị trái vải người dân không nên mạnh ai nấy là mà cần liên kết, kết nối với các đầu mối tiêu thụ nhằm chủ động tìm kiếm thị trường nhằm nâng tầm trái vải đặc sản./.