Vụ vải thiều năm nay tỉnh Bắc Giang được mùa được giá nhờ chủ động tiêu thụ. |
Đổi mới các phương thức tiêu thụ vải thiều
Vải thiều là sản phẩm nổi tiếng của Bắc Giang, diện tích lớn nhất cả nước nên luôn được quan tâm, từ chỉ đạo sản xuất đến xúc tiến đều có sự đổi mới, thiết thực, hiệu quả, bằng nhiều hình thức ở cả trong nước, quốc tế.
Bắc Giang đã và luôn nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người dân trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc là yếu tố “cốt lõi” làm chỗ đứng bền vững; với phương châm coi trọng tất cả các thị trường ở cả trong và ngoài nước, hướng tới người tiêu dùng được thưởng thức trái vải thiều ngon, chất lượng cao, sạch và an toàn nhất.
Năm nay vải thiều Lục Ngạn tiếp tục có chất lượng vượt trội, mã đẹp. Với hơn 17,3 nghìn ha, sản lượng vải toàn huyện ước đạt 98.000 tấn. Đặc biệt, Lục Ngạn số hóa các mã số vùng sản xuất vải, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mô hình vải thiều hữu cơ được triển khai rộng rãi tại Bắc Giang. |
Cụ thể, huyện có 88 mã số vùng trồng với diện tích 11.879ha, gồm: Trung Quốc 35 mã; thị trường Mỹ, Australia, EU 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã; quản lý chặt chẽ và duy trì 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu.
Với phương châm coi trọng tất cả các thị trường, cả trong nước, nước ngoài, huyện có nhiều đổi mới trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp riêng có của vùng đất Lục Ngạn khi bước vào mùa vải chín, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn đã nhanh nhạy chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh vải thiều gắn với khai thác phát triển du lịch nông nghiệp miệt vườn, sinh thái, trải nghiệm, du lịch văn hóa, cộng đồng.
Huyện đã tổ chức những sự kiện truyền thông, dịch vụ, du lịch hấp dẫn như: Chào bán toàn bộ cây vải trong một vụ cho khách hàng theo mô hình “Cây vải vườn nhà”; biểu diễn nghệ thuật tại vườn vải thiều; mở cửa vườn đón khách du lịch trải nghiệm và mua sản phẩm trực tiếp; liên kết với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour tham quan, thưởng thức vải thiều…
Năm nay, ngoài bán tươi, huyện chú trọng chế biến vải thiều tại chỗ bằng các hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước, …
Đa dạng kênh kết nối, nâng cao vai trò doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều
Theo phản ánh của các thương lái, doanh thu vải thiều năm nay tăng hơn so với năm ngoái, nhất là vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do dịch Covid 19 được kiểm soát, nhiều thương nhân Trung Quốc đã sang tận vùng sản xuất, phối hợp với thương lái trong nước để đặt hàng để thu mua nông sản.
“Nhà vận chuyển bằng xe tải và xe container, cao điểm mỗi ngày thu mua vài chục tấn. Cân hàng Trung Quốc nhiều và giá cao, trung bình 15.000/kg trở lên, còn hàng đẹp thì giá cao hơn”, chị Trần Thị Hường, chủ điểm cân ở thị trấn Kép, huyện Lục Ngạn cho biết.
Bắc Giàn tìm mọi giải pháp để đưa trái vải đến tay người tiêu dùng. |
Tham gia thu mua ngay từ đầu vụ vải tại Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc công ty Food land cho biết, hàng ngày các xe lạnh luôn sẵn sàng đưa vải đến các siêu thị miền Bắc trong 24 giờ và miền Nam trong 48 giờ, các kênh tiêu thụ khác cũng được tận dụng tối đa để mang quả vải Bắc Giang gần hơn đến người tiêu dùng.
“Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển bán hàng trên các kênh trực tuyến và facebook và kênh đi chợ hộ, đồng thời phối hợp với các nền tảng thương mại số khác để liên kết bán hàng trên các nền tảng này”, bà Vân nói.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép, trung bình mỗi ngày có thể vận chuyển 300 tấn vải từ ga Kép sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, sản lượng vải xuất khẩu năm nay sẽ cao hơn 2 năm vừa qua, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng 98.000 tấn niên vụ vải năm nay. Vận chuyển bằng đường sắt giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, nhờ đó chất lượng và giá trị vải thiều được đảm bảo hơn.
“Việc vận chuyển qua đường sắt đầu tiên tạo thuận lợi cho xuất khẩu chính ngạch và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và các hợp tác xã, hạn chế ùn tắc khi vận chuyển bằng ô tô. Chi phí vận chuyển đường sắt cũng ổn định và là hướng mới lâu dài cho những năm tiếp theo. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cũng các Bộ ngành liên quan hỗ trợ cho địa phương trong việc vận chuyển qua đường sắt thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Thế Thi nói.
Vải thiều Bắc Giang thường xuyên hiện diện trong các hội chợ, lễ hội về trái cây để quảng bá thương hiệu. |
Chú trọng chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vải thiều, ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Năm 2023, mở ra cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường cũng như đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu rau củ quả sang thị trường các nước. Xác định được tầm quan trọng như vậy nên công tác xúc tiến thương mại luôn luôn được đặt ra 2 vấn đề. Đối với thị trường truyền thống làm thế nào để duy trì và phát triển đồng thời bằng nhiều giải pháp và phương thức để mở rộng thêm các thị trường mới”.
Việc chuẩn hóa từ khâu sản xuất chất lượng đến tiêu thụ vải thiều gắn với các hoạt động quảng bá thương hiệu thông qua những cách làm mới về đa dạng hóa thị trường, phát triển du lịch nông nghiệp giúp Bắc Giang tiếp tục có vụ vải “được mùa, được giá”. Đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương có vùng trồng rau quả lớn tham khảo trong việc xóa lời nguyền về “được mùa, mất giá” trong nông nghiệp đã từng xảy ra trước đây./.