Doanh nghiệp Việt cần tuân thủ quy định EUDR để có “tấm vé” thông hành vào EU Mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của ngành cà phê Việt |
Chính thức hoãn thực thi EUDR, Việt Nam khẳng định vẫn chủ động chuẩn bị, thích ứng. Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/ Shutterstock. |
Chính thức hoãn thực thi EUDR
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR trong 12 tháng tại kỳ họp ngày 13 - 14/11/2024 với 371 phiếu thuận, 240 phiếu chống và 30 phiếu trắng.
Theo quyết định mới, các doanh nghiệp lớn sẽ phải tuân thủ Quy định chống phá rừng (EUDR) từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ có thời gian đến ngày 30/6/2026. Thời gian bổ sung kéo dài 12 tháng này sẽ giúp các nhà vận hành trên toàn cầu có thời gian thực hiện quy định EUDR một cách thuận lợi ngay từ đầu mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của quy định.
Trước đó, ngày 2/10/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR) thêm một năm so với dự kiến. Lý do được đưa ra trong thông báo là EC nhận thấy 3 tháng trước thời gian thực thi, một số đối tác toàn cầu đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc sẵn sàng đáp ứng quy định của các doanh nghiệp. Thông báo này cũng nêu, các lo ngại này cũng đã được đưa ra trong tuần lễ Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
Ngoài ra, thông báo cho biết về mức độ sẵn sàng của các bên liên quan ở châu Âu cũng không đồng đều. Trong khi nhiều bên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tin sẽ đáp ứng kịp thời hạn, một số khác lại tỏ ra lo ngại về khả năng hoàn thành đúng hạn. Do đó, phía EC cho rằng, cần có thêm thời gian chuẩn bị là 12 tháng để các bên cùng sẵn sàng đáp ứng EUDR. Đề xuất này sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và phải được sự đồng ý của EP và các quốc gia thành viên của EU.
Tại kỳ họp, Nghị viện châu Âu cũng thông qua các sửa đổi khác, bao gồm việc tạo ra một danh mục quốc gia “không có rủi ro” về phá rừng, bên cạnh ba loại đã có là “thấp”, “chuẩn” và “cao” rủi ro.
Các quốc gia được xếp vào loại “không có rủi ro” được định nghĩa là các quốc gia có diện tích rừng ổn định hoặc đang phát triển, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu ít nghiêm ngặt hơn do nguy cơ phá rừng gần như không tồn tại. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ hoàn thành hệ thống phân loại quốc gia trước ngày 30/6/2025.
Việt Nam không trì hoãn việc chuẩn bị và thích ứng
Ông Tô Việt Châu: "Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) lùi thời gian áp dụng EUDR, nhưng Việt Nam không trì hoãn việc chuẩn bị và thích ứng". |
Quy định về chống mất rừng EUDR áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. 3 trong số 7 nhóm hàng này, bao gồm gỗ, cao su và cà phê, là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tại hội thảo:“Trao đổi kỹ thuật về EUDR và các chuỗi giá trị không gây phá rừng, suy thoái rừng”, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: “Mặc dù, Ủy ban châu Âu (EC) lùi thời gian áp dụng EUDR, nhưng Việt Nam không trì hoãn việc chuẩn bị và thích ứng với các yêu cầu của quy định này. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Sự chủ động này sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EUDR, từ đó củng cố vị thế về nhà cung cấp nông sản trách nhiệm, minh bạch và bền vững trên thị trường quốc tế”.
Theo ông Châu, Phái đoàn EU tại Việt Nam (thông qua Dự án “EUDR Engagement”) đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để tạo điều kiện đối thoại về các chủ đề về EUDR. Chính phủ Việt Nam, bao gồm các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương, đang tích cực chuẩn bị và hỗ trợ các bên liên quan để tăng cường chuỗi cung ứng hợp pháp và không gây phá rừng phù hợp với các mục tiêu quốc tế chung của EU và Việt Nam về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, TS. Rui Ludovino khẳng định: “Để đảm bảo việc triển khai EUDR một cách hiệu quả và minh bạch về mặt pháp lý, quy định này ban đầu dự kiến áp dụng từ tháng 12 năm 2024, nay có thể được trì hoãn đến tháng 12 năm 2025 đối với các doanh nghiệp lớn và tháng 6 năm 2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với đề xuất gia hạn thêm 12 tháng chuẩn bị, EU mong muốn tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp, các quốc gia thứ ba và các bên liên quan khác có thêm thời gian chuẩn bị thích ứng cho việc triển khai EUDR“.
Với những diễn biến của EUDR, thời gian gấp rút và sự đa dạng của các bên liên quan quốc tế, Ủy ban cho rằng việc gia hạn thêm 12 tháng là một giải pháp cân bằng, giúp các doanh nghiệp trên toàn cầu triển khai hệ thống suôn sẻ ngay từ đầu. Đề xuất gia hạn này sẽ không thay đổi mục tiêu hay nội dung của luật, như đã được các nhà lập pháp EU đồng thuận.
EU cam kết tiếp tục hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam bằng cách cung cấp các công cụ và thông tin cần thiết để hiểu rõ EUDR, một yếu tố quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu nạn phá rừng và suy thoái rừng. EU sẽ tận dụng khoảng thời gian này để tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia thứ ba và các đối tác khác, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án đối thoại và hợp tác hiện có, tập trung vào tính hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, và sự hòa nhập của các hộ sản xuất nhỏ, cùng nhiều yếu tố quan trọng khác.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận quy định của Liên minh Châu Âu EUDR quy định về không gây mất rừng và không gây suy thoái, đây vừa là một thách thức rất lớn nhưng vừa là cơ hội. Thách thức vì đây là vấn đề mới đối với Việt Nam, mới về kĩ thuật, mới về chính sách”.
Để thích ứng với EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng khung kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng EUDR. Các hiệp hội ngành hàng cũng đang cố gắng để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với EUDR.
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: “Khi châu Âu ban hành đạo luật về cấm các sản phẩm có nguồn gốc phá rừng và ngay sau khi đạo luật này ban hành thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phiên làm việc trực tiếp với Tổng vụ môi trường châu Âu và có nhiều hội thảo tham vấn các bên liên quan. Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch hành động để chuẩn bị cho các ngành hàng, trong đó có 2 ngành hàng có sản phẩm xuất khẩu rất lớn vào châu Âu có ngành hàng gỗ, cà phê, cao su”.
Quy định chống phá rừng - EUDR là gì? Ngày 23/6/2023, EU ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR) và có hiệu lực chính thức vào ngày 29/6/2023. Theo quy định EUDR sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây ra tình trạng mất rừng. Mục tiêu của EUDR nhằm giảm thiểu rủi ro sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng xuất nhập khẩu của EU; tăng nhu cầu mua bán sản phẩm hợp pháp, không liên quan gây mất rừng. Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí… Để chứng minh, doanh nghiệp đưa sản phẩm vào lưu thông tại EU phải thu thập thông tin về chuỗi cung. Các thông tin liên quan doanh nghiệp giải trình như tên doanh nghiệp, địa chỉ, các nhà cung cấp, vị trí địa lý các lô thửa đất sản xuất nông nghiệp, mã HS các mặt hàng và sản phẩm, tên khoa học nơi các hàng hóa mà chúng đã được trồng để các mặt hàng này có thể được kiểm tra tuân thủ... |
Doanh nghiệp Việt cần tuân thủ quy định EUDR để có “tấm vé” thông hành vào EU |
Mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của ngành cà phê Việt |