Chính thức đánh thuế 5% đối với phân bón từ ngày 1/7/2025. |
Chiều 26/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi trong đó sẽ áp thuế 5% với phân bón. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trước đó đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật này.
Phân bón sẽ nộp thuế VAT 5%
Với 407/451 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng - VAT (sửa đổi), trong đó có nội dung chuyển phân bón từ diện không phải chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT mức 5%.
Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.
Báo cáo cho biết: Nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất áp thuế suất 5% đối với phân bón. Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành; có ý kiến đề nghị áp dụng thuế suất 0% hoặc 1%, 2%.
Đồng thời, có ý kiến đề nghị đánh giá toàn diện tác động của quy định này đối với nông dân và sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Có ý kiến lo ngại về khả năng doanh nghiệp trục lợi chính sách, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến nông dân.
Theo ông Mạnh, đúng như ý kiến của đại biểu Quốc hội, nếu quy định phân bón áp dụng thuế suất 0% thì sẽ bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu vì đều sẽ được hoàn thuế VAT đầu vào đã nộp và không phải nộp thuế VAT đầu ra.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, hàng năm Nhà nước sẽ phải bỏ ra ngân sách để hoàn thuế cho các doanh nghiệp. Ngoài yếu tố bất cập đối với ngân sách nhà nước, việc áp dụng thuế suất 0% đối với phân bón là trái với với nguyên tắc, thông lệ của thuế VAT là thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, không áp dụng với tiêu dùng trong nước.
Việc áp dụng theo hướng này sẽ phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế, tạo tiền lệ xấu và không công bằng với các ngành sản xuất khác.
Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc quy định thêm mức thuế suất 2% sẽ phải kết cấu lại Luật Thuế giá trị gia tăng như thiết kế khoản riêng về mức thuế suất, bổ sung quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp này.
Việc quy định thuế suất 1% hoặc 2% đối với phân bón cũng không phù hợp với mục tiêu cải cách thuế VAT là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành như đã được giải trình với các đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Báo cáo số 1035/BC-UBTVQH15 ngày 28/10/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, báo cáo về tác động đối với việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Chính phủ cũng đã có công văn số 692/CP-PL bổ sung giải trình và cung cấp số liệu minh chứng cụ thể.
Để thể hiện đúng quan điểm của Quốc hội trong việc xử lý vấn đề trên, ngày 26/11/2024, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 02 phương án, một là áp thuế suất 5%, hai là giữ nguyên như quy định hiện hành.
Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, 72,67% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ theo hướng quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản. Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025, trừ một số trường hợp khác.
Có lợi cho 3 nhà
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) phát biểu ý kiến. |
Trước đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) chia sẻ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan của Tỉnh và rất thống nhất với đề xuất của Chính phủ chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%.
Theo đại biểu, thuế GTGT đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế đã tác động rất lớn đối với ngành sản xuất phân bón trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Điều này không chỉ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, mà còn cản trở việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ phân bón thế hệ mới, hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.
Đặc biệt trong giai đoạn cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới giai đoạn 2015-2020 (trước thời điểm dịch COVID-19), giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ, có nguy cơ phá sản.
Do đó, nếu việc sửa Luật Thuế GTGT lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế GTGT và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Khi mặt hàng phân bón được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư…
“Nếu chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế, sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho cả 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân; giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu” - đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu cũng cho rằng, trường hợp tiếp tục giữ phân bón trong diện không chịu thuế GTGT như hiện hành thì các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón tiếp tục là đối tượng được hưởng lợi từ việc phân bón không chịu thuế GTGT tính từ thời điểm sửa luật số 71/2014/QH13. Đối tượng bị ảnh hưởng là tất cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón trong nước và ngành sản xuất này có thể bị thu hẹp dần và được thay thế bằng phân bón nhập khẩu; khu vực nông nghiệp về lâu dài sẽ phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, vì phân bón là đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và chịu nhiều tác động của cung cầu trên thị trường thế giới.
Tranh luận với nhiều đại biểu lo ngại áp thuế 5% với phân bón sẽ mà tăng giá bán, ảnh hưởng đến người nông dân, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cũng khẳng định: "Việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón có lợi cho ba nhà, đó là nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp”. Đồng thời nhấn mạnh khi Chính phủ, Quốc hội bàn một vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp, chắc chắn chúng ta không thể ban hành một chính sách làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho họ mà hướng tới việc xây dựng, ban hành một chính sách tốt nhất.
Đại biểu chỉ rõ, với thuế GTGT, đầu vào - đầu ra phải đi cùng với nhau, đầu ra không chịu thuế, đầu vào không được khấu trừ. Đại biểu ví dụ: “Doanh nghiệp mua sản phẩm đầu vào 80 đồng, họ sẽ chịu thuế GTGT đầu vào là 8 đồng; giá phân bón bán ra 100 đồng. Nếu không được khấu trừ, nguyên tắc họ sẽ phải đưa vào chi phí, tính vào giá, giá đó sẽ là 108 đồng. Nếu đánh thuế 5%, doanh nghiệp đó được khấu trừ 8 đồng, giá bán sẽ chỉ là 105 đồng thôi".
Việc áp thuế 5% này chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước cũng được bảo vệ, người dân sẽ có cơ hội giảm giá. Nguyên tắc làm giá không phải cứ tăng thuế 5% thì giá sẽ tự động tăng 5% và người dân bị chịu ảnh hưởng.