Bí xanh thơm Bắc Kạn là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể. Trái bí có dáng thon dài, vỏ dày và cứng với các đặc điểm toàn bộ thân, lá, hoa và quả có mùi thơm đặc trưng. Hiện nay, đang là thời điểm thu hoạch bí xanh thơm của nông dân huyện Ba Bể, dọc tuyến đường 258 có thể thấy nhiều hộ dân đã bày bán bí xanh ngay cửa nhà.
Theo bà Đinh Tuyết Nhung - Giám đốc HTX Nhung Lũy, xã Địa Linh, huyện Ba Bể cho biết: Bí xanh là cây giảm nghèo của huyện Ba Bể, đặc biệt là 2 xã Yến Dương và Địa Linh. Toàn huyện Ba Bể có khoảng 75ha bí xanh, trong đó xã Yến Dương có khoảng 20ha.
"So với các cây trồng khác thì trồng bí đem lại giá trị cao gấp 10 lần, vì thế bà con ở đây rất chăm chút cây bí vì đây là nguồn thu nhập chính" – bà Nhung nhấn mạnh.
Sản phẩm bí xanh đã được chứng nhận OCOP
Giống bí xanh thơm này có ưu điểm nổi bật là thời gian sinh trưởng ngắn (từ 70-75 ngày). Cây sinh trưởng phát triển khỏe, nhánh gọn, ra hoa tập trung sau trồng 40-45 ngày. Bí xanh Ba Bể có 2 loại, loại vỏ màu xanh đậm và xanh phủ phấn trắng, trọng lượng từ 1,5 - 4kg/quả.
Điều đặc biệt, cả thân, lá và hoa bí xanh đều có mùi thơm, khi chế biến có độ dẻo, mùi vị ngọt dịu hấp dẫn phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
"Bí được trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bằng men vi sinh để bón lót cho cây và sử dụng các phân vi sinh tưới cho cây. Và các chế phẩm sinh học để dẫn dụ ruồi vàng ủ các loại đạm cá, đỗ tương… để bổ sung các hàm lượng cho cây bí" - chị Nhung cho biết thêm.
Giống bí xanh thơm này rất dễ trồng và chăm sóc, phù hợp với đặc thù của các cộng đồng dân cư miền núi. Mặt khác thành phẩm rất dễ bảo quản vận chuyển xa, tối ưu lợi nhuận cho người trồng.
Bình quân 1ha bí xanh cho sản lượng khoảng 50 - 70 tấn, với giá bán buôn tại ruộng từ 4.000-7.000 đồng/kg, mỗi hecta thu được 280 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi 180 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn cho biết: Khi tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh bí xanh thơm Ba Bể đã được công nhận sản phẩm 3 sao, tuy nhiên mới công nhận sản phẩm thô, chưa đi vào chế biến sâu.
Ba Bể hướng đến chế biến sâu các sản phẩm bí xanh.
"Trong thời gian tới chúng tôi dự kiến sẽ tham mưu cho tỉnh sẽ có những chính sách để phát triển giống bí hiệu quả hơn nữa, mở rộng diện tích ở các xã lân cận có diện tích đất đai, thổ nưỡng khí hậu phù hợp với loại bí này" – ông Khanh nói.
Ngoài sản phẩm thô là quả và lá, chương trình OCOP còn tích cực sản xuất các sản phẩm tinh chế từ bí xanh, nâng cao giá trị của nông sản. Từ đây mở ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương, dịch chuyển một phần cơ cấu kinh tế từ thuần túy nông nghiệp sang chế biến, tiến tới xây dựng thương hiệu và quy trình khép kín từ sản xuất nguyên liệu thô cho đến sản phẩm thương mại.
Ông Khanh cũng mong muốn tạo ra được một số sản phẩm chế biến sâu như nước bí ép, bí sấy… để đưa ra thị trường.
Hiện tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ chính sản phẩm bí xanh Bắc Kạn. Với thị trường nội địa hơn 90 triệu dân và có truyền thống sử dụng bí xanh là một loại rau quả cũng như nước uống hàng ngày, tiềm năng phát triển của các sản phẩm bí xanh là rất lớn.
Hứa hẹn trong tương lai không xa, thương hiệu bí xanh Bắc Kạn sẽ nhanh chóng trở thành một sản phẩm có tên tuổi, mang lại nguồn lợi kinh tế lâu dài, bền vững cho bà con vùng sâu vùng xa.
Mai Mai