Thế giới hụt khoảng 7 triệu tấn gạo, cơ hội lớn cho Việt Nam Giải mã nguyên nhân nhiều ông lớn ngành gạo thua lỗ nợ nần Giá bỏ thầu gạo quá thấp sẽ tác động tiêu cực đến thị trường? |
Nông dân thu hoạch lúa. |
Trúng thầu cung ứng gạo vào Indonesia với giá thấp
Ngày 22/5, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả mở thầu tháng 5 cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời trúng thầu 2 lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu và giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.
Đơn vị còn lại là Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn và là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các doanh nghiệp dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn. Nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố là 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Lộc Trời thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.
Khối lượng 60.000 tấn còn lại thuộc các doanh nghiệp quốc tế sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 - 629 USD/tấn. Đơn vị giảm giá gạo nhiều nhất so với giá chào thầu cũng chỉ 4 USD/tấn. Đợt thầu này còn có 3 lô, mỗi lô 20.000 tấn và Bulog đang thương lượng lại giá với các đơn vị tham gia đến từ Việt Nam với giá chào từ 579 - 582 USD/tấn.
Áp giá sàn hay tuân thủ quy luật cạnh tranh?
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Cty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) cho rằng: VFA cần họp các DN hội viên, để cùng ngồi lại, đưa ra một mức giá sàn trước đối với hợp đồng bán gạo cho Indonesia. Với giá sàn, DN dự thầu không được bán thấp hơn, nhằm tránh tình trạng... tranh bán. Giá sàn gạo xuất khẩu sẽ đảm bảo an toàn cho cả nông dân, DN, tránh rủi ro cho cả ngân hàng khi giải ngân khoản vay cho DN.
“Rất cần sự đoàn kết, gắn bó giữa các DN xuất khẩu gạo. Chúng tôi sẵn sàng để Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và miền Nam (Vinafood 2) đại diện đi dự thầu gạo xuất khẩu tại một số nước, khi trúng thầu về chia lại hợp đồng cho các DN trong nước cung ứng”, bà Huyền kiến nghị. Giải pháp này tương tự như trước đây, khi VFA đứng ra đấu thầu, sau đó về phân bổ lại các DN trong nước cung cấp.
Cũng theo lãnh đạo DN gạo trên, quan trọng nhất phải có được hợp đồng xuất khẩu gạo với giá tốt nhất, mang về lợi nhuận cao nhất. Không phải lấy hợp đồng nhiều với giá thấp, rồi thua lỗ, thất thoát kinh tế, thiệt hại cho chính DN và nông dân trồng lúa, nên cũng cần bàn tay Nhà nước, Bộ Công Thương, Chính phủ hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Cty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp) cho rằng, luật chơi được quyết định bởi người mua, chứ không phải người bán. “Chúng ta muốn bán gạo giá cao, nhưng nếu cứng nhắc làm theo sẽ không có hợp đồng, nên cần làm rõ. Nếu cân đối được tồn kho với giá cả hợp lý, DN quyết định bán, miễn có hiệu quả, đó là quyền tự do thương mại. Còn đưa ra giá sàn nhưng không có hợp đồng tình hình sẽ càng khó khăn hơn”, ông Việt Anh nêu quan điểm.
Những hệ luỵ
Doanh nghiệp bán “đại hạ giá”, gạo Việt lao dốc. |
Sau khi lập đỉnh 663 USD/tấn vào ngày 21/11 năm ngoái, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta quay đầu giảm. Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố giá chào thầu 300.000 tấn gạo loại 5% tấm vụ mùa 2023-2024, các doanh nghiệp Việt Nam gây bất ngờ khi có mức giá chào thầu thấp nhất so với doanh nghiệp quốc tế khác.
Cụ thể, doanh nghiệp Việt chào thầu mức giá thấp nhất 564,5 USD/tấn, trong khi cao nhất là 658,5 USD/tấn đến từ các doanh nghiệp Thái Lan. Giá chào thầu của doanh nghiệp Myanmar và Pakistan lần lượt là 621,5 USD/tấn và 633 USD/tấn.
Tức, giá chào thầu của doanh nghiệp Việt thấp hơn các doanh nghiệp Thái Lan 94 USD/tấn; thấp hơn giá của doanh nghiệp Myanmar và Pakistan lần lượt là 57 USD/tấn và 68,4 USD/tấn.
Những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu của nước ta vào đà giảm mạnh. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 31/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm về mức 574 USD/tấn.
Từ vị thế quốc gia có giá gạo cao nhất thế giới, nay gạo Việt thấp hơn hàng cùng loại của Thái Lan 46 USD/tấn, thấp hơn hàng của Pakistan 19 USD/tấn.
So với hôm 21/5 - thời điểm Bulog công bố kết quả mở thầu, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 15 USD/tấn trong chưa đầy nửa tháng.
Giá lúa gạo trong nước cũng theo đà sụt giảm mạnh. Cụ thể, cập nhật trong tuần từ 16-23/5 của VFA, giá lúa thường tại ruộng giảm còn 7.479 đồng/kg, lúa thường tại kho giảm về mức 9.283 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá 14.380 đồng/kg, gạo 5% tấm giá 14.107 đồng/kg...
Chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp chào thầu “đại hạ giá” gạo cho Indonesia ảnh hưởng lớn đến ngành lúa gạo Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam bày tỏ quan ngại và yêu cầu VFA xác minh thông tin liên quan đến việc doanh nghiệp chào thầu giá gạo thấp nhất so với doanh nghiệp của các quốc gia khác.
Đơn vị này nhận định, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Trong khi, Indonesia đang là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống lớn thứ hai của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Để giữ uy tín thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, cũng như giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo chi tiết với Bộ Công Thương về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu của các doanh nghiệp.