Công ty Lộc Trời trúng thầu 2 lô, số lượng 60.000 tấn cung ứng cho Indonesia. |
Giá bỏ thầu gạo của một số doanh nghiệp rất thấp
Trong khi gạo đang vào xu hướng tăng thì giá bỏ thầu gạo của một số doanh nghiệp (DN) nội địa lại rất thấp. Cụ thể, ngày 22/5, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả mở thầu tháng 5 cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các DN Việt Nam.
Trong đó, Công ty Lộc Trời trúng thầu 2 lô, số lượng 60.000 tấn, với mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu và giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn. Đơn vị còn lại là Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn và là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các DN dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn.
Số lượng 60.000 tấn còn lại thuộc các DN quốc tế sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 - 629 USD/tấn. Đơn vị giảm giá gạo nhiều nhất so với giá chào thầu cũng chỉ 4 USD/tấn.
Đáng nói là trong khi 2 DN của ta đại hạ giá gạo bán cho Indonesia thì các DN Thái Lan chào thầu với giá thấp nhất cũng lên tới 649 USD/tấn. Hai DN khác chào thầu 656,58 và 658,5 USD/tấn. Các DN Thái kiên quyết không giảm giá khiến Bulog chỉ mua được 1/2 số lượng so với kế hoạch là 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm.
Bên cạnh đó, đợt thầu này còn có 3 lô, mỗi lô 20.000 tấn và Bulog đang thương lượng lại giá với các đơn vị tham gia đến từ Việt Nam với giá chào từ 579 - 582 USD/tấn.
So sánh giá chào thầu cao nhất và thấp nhất trong đợt mở thầu này có thể thấy mức chênh lệch lên tới 94 USD/tấn. Và nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do VFA công bố là 587 USD/tấn thì giá trúng thầu của Lộc Trời thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.
Ảnh hưởng đến ngành hàng và thu nhập của nông dân
Giá bỏ thầu gạo quá thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân trồng lúa. |
Theo nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, việc doanh nghiệp ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn tạo điều kiện cho tiêu thụ lúa gạo của bà con nông dân dễ dàng hơn. Nhưng nếu giá bỏ thầu quá thấp, dù nằm trong quyền hạn của doanh nghiệp, thì sẽ tác động tiêu cực đến thị trường lúa gạo trong nước nói chung, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân trồng lúa.
Ông Trương Thanh Nhàn, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú An (huyện Phú Tân, An Giang), cho rằng việc một số DN trúng thầu gạo giá thấp chắc chắn có ảnh hưởng đến việc giá lúa của bà con nông dân sắp tới.
Thực tế chi phí sản xuất lúa của nông dân đã tăng hơn so với trước đây nên lợi nhuận của nông dân hiện nay rất thấp.
"DN trúng thầu giá thấp dĩ nhiên sẽ mua lúa của nông dân thấp rồi. Ai cũng nói giá lúa gạo tăng nhưng thực tế không tăng đâu, vì chi phí đội lên rất nhiều rồi.
Do đó, các DN và Bộ Công Thương nên tính kỹ lại giá thực tế lúa gạo và chi phí để làm sao nông dân có lợi hơn", ông Nhàn nói.
Lãnh đạo Công ty Đại Dương Xanh, chuyên xuất khẩu gạo ở tỉnh Kiên Giang, cho rằng việc bỏ thầu giá thấp hay cao là quyền của DN.
Tuy nhiên, việc một số DN trúng thầu xuất khẩu gạo với giá thấp sẽ phần nào ảnh hưởng đến giá gạo trong nước thời gian tới. Theo vị này, DN trúng thầu thấp sẽ dẫn đến hai tình huống, đó là bán gạo lỗ hoặc mua lúa của nông dân với giá thấp.
"Thời buổi công nghệ nên thông tin cũng nhanh chóng lan truyền. Nếu ký hợp đồng giá thấp, thương lái sẽ ép giá. Nếu ký hợp đồng giá cao, thương lái cũng mua với giá cao cho nông dân.
Do đó, về lâu về dài đối với đấu thầu gạo giá thấp sẽ phần nào bị ảnh hưởng đến giá gạo trong nước", vị này nói.