Xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi Nhận diện những yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo thời gian tới Thế giới hụt khoảng 7 triệu tấn gạo, cơ hội lớn cho Việt Nam |
Xuất khẩu gạo được mùa cả lượng và giá suốt từ năm 2023 đến nay. |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta tiếp tục tăng mạnh, đạt 3,2 triệu tấn (tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái), với trị giá gần 2,2 tỷ USD (tăng 36,5%). Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22%.
So với mức 3,5 tỷ USD ngành gạo mang về mỗi năm của những năm trước, con số trên cho thấy ngành gạo của Việt Nam đang ở trong giai đoạn ăn nên làm ra chưa từng có.
Nhiều ông lớn ngành gạo thua lỗ
Điều đáng nói, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gạo lại hoàn toàn trái ngược, điển hình như doanh nghiệp lúa gạo lớn hàng đầu Việt Nam là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.
Trong quý I, doanh thu thuần của Tập đoàn Lộc Trời đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Song biên lợi nhuận gộp trong kỳ lại giảm từ 11,1% xuống 6,4% do giá vốn tăng mạnh cùng với áp lực lớn từ chi phí tài chính.
Riêng lãi vay quý đầu năm của Tập đoàn Lộc Trời là 126 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 105 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần khiến lợi nhuận trước thuế quý I âm 86,4 tỷ đồng, cao hơn mức âm 77,2 tỷ đồng của quý I năm trước.
Đặc biệt, mới đây Tập đoàn Lộc Trời còn nợ gần 1.000 nông dân với tổng số tiền gần 246 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết nguyên nhân dẫn đến số nợ trên là do lượng lúa thu hoạch đồng loạt dẫn đến khó khăn trong thu xếp dòng tiền từ vay vốn của các ngân hàng để thanh toán cho nông dân chưa kịp thời. Cùng với đó, phương thức vay của các ngân hàng có thay đổi nên doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn vay.
Một trong những thương hiệu gạo quen thuộc là Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Năm 2023 công ty này ghi nhận doanh thu đạt 4.484 tỉ đồng, tăng 18% nhưng lại lỗ sau thuế hơn 19 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 75 tỉ đồng). Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Mức lỗ kỷ lục này là do trong năm 2023 ngoài việc lỗ tỷ giá thì các chi phí gồm chi phí bán hàng, chi phí tài chính đều tăng vọt. Đến quý 1/2024, doanh thu thuần của Trung An đạt 715 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Trung An báo lãi sau thuế là 2,7 tỉ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước.
Trả giá vì thiếu thông tin thị trường
Những lô hàng xuất khẩu của Lộc Trời. |
Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) - cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến nghịch lý doanh nghiệp gạo càng xuất nhiều càng thua lỗ là do thiếu thông tin thị trường và chủ quan dẫn đến dự báo sai.
Theo ông Nam, giá gạo thường bị tác động bởi các yếu tố chính trị nên có độ nhạy cảm cao, đồng thời biên độ lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp càng rủi ro. Trong nhiều trường hợp, không ít doanh nghiệp Việt nhận định sai về tình hình quốc tế, nhu cầu thị trường đã phải trả giá khi giá gạo thay đổi trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) - cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn thường quen ký hợp đồng với nước ngoài sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao và tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng.
Cùng với đó, khi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao cũng góp phần làm tăng thêm thua lỗ.
Trước áp lực trả nợ tiền mua lúa cho nông dân, trong thông báo phát đi Công ty Lộc Trời thừa nhận: "Chấp nhận bán giá thấp để có tiền thanh toán sớm cho nông dân. Đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo, đặc biệt hoàn thành sớm hợp đồng xuất khẩu cho thị trường Indonesia và Philippines. Tới ngày 25.4, Lộc Trời đã xuất khẩu 88.000 tấn gạo trị giá trên 57 triệu USD và đang có kế hoạch giao tiếp 70.000 tấn trong tháng 5 - 6". Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng khẳng định sẽ chấp nhận bán lúa khô lại cho nông dân hoặc thậm chí hoàn trả lúa đã sấy khô cho nông dân không tính phí lưu kho. Hợp tác với các ngân hàng đang cho nông dân vay từ trước vụ. Chi trả lãi suất chậm trả tương đương 10%/năm cho bà con nông dân. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền mua lúa cho nông dân.
Lộc Trời nói, vẫn tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đảm bảo cho việc vận hành được ổn định nhưng nó cũng làm tăng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ điều chỉnh cân bằng nguồn vốn ngắn hạn, trung và dài hạn. Sự điều chỉnh này sẽ giúp nguồn vốn lưu động tối ưu hóa và ngày càng ổn định.