Tận dụng các ao bèo, hồ sen và những vùng thấp trũng ngập nước quanh năm, người dân thả nuôi ốc bươu đen, không phải đầu tư nhiều kinh phí để cải tạo hồ nuôi. |
Nuôi ốc nhanh cho thu nhập, cả ốc giống và ốc thịt đều thuận lợi
Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Trần Ngọc Toại (thôn Long Lập, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ) là một trong những mô hình đầu tiên của huyện Đức Thọ. Với quy mô 1 ha, hiện anh Trần Ngọc Toại đang nuôi 5 vạn ốc bố mẹ, phục vụ sản xuất con giống. Trong năm 2020, anh Toại thu về trên 500 triệu đồng từ bán ốc giống.
Anh Toại cho biết: "Ốc bươu đen tuy sống ở dưới bùn, nhưng lại rất ưa môi trường nước sạch. Thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn từ tự nhiên như: lá khoai, lá sắn, cỏ, bèo… do đó, xung quanh ao nuôi tôi đã trồng rất nhiều loại khoai, sắn để làm thức ăn cho ốc. Ốc bươu đen nuôi sau 4-5 tháng là có thể xuất bán.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Lê Tuấn Anh, thôn Tân Lộc, xã Tân Hương. |
Tương tự, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Lê Tuấn Anh ở thôn Tân Lộc, xã Tân Hương có quy mô 5.000 m2, trong đó 2.000 m2 được anh quy hoạch thành 4 hồ nuôi, còn 3.000m2 là ao nuôi tự nhiên.
Bắt tay vào thực hiện mô hình từ tháng 4/2021, bước đầu anh Lê Tuấn Anh thả 5 vạn con giống, sau gần 5 tháng thả nuôi ốc đạt kích cỡ 35-40 con/1kg. Mô hình nuôi ốc của anh Lê Tuấn Anh đã cho lãi ròng gần 100 triệu đồng sau vụ nuôi đầu tiên.
Anh Lê Tuấn Anh cho biết: "Trước đây tôi thường khai thác và thu mua ốc bươu tự nhiên để nhập cho các nhà hàng, nhưng dần dần, ốc tự nhiên cạn kiệt, vì vậy khi được Hội Nông dân hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật tôi đã xây dựng mô hình này. Nuôi ốc bươu đen khá dễ, chi phí đầu tư không nhiều, chỉ với 20 triệu đồng mua con giống ban đầu. Sau 5 tháng thả nuôi, hiện ốc thương phẩm đã đạt 35-40 con/1kg, đủ tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường, với giá bán hiện nay là 90.000đồng/1kg.
Tận dụng diện tích nuôi ốc gia tăng lợi nhuận
Là hộ nông dân có gần 10ha trồng thông khai thác nhựa, nhưng ông Nguyễn Đức Phái (SN 1974, thôn Tân Quang, xã Đức Lạng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn tìm tòi phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen. Từ năm 2021, được sự hỗ trợ của địa phương, vợ chồng ông đã nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen trên diện tích hơn 8.000 m2.
Trại nuôi ốc của ông đầu tư hơn 120 triệu đồng thuê máy móc nạo vét, cải tạo khu vực ao rộng khoảng 1.000 m2 rồi thả hơn 20 vạn con ốc giống để nuôi thử nghiệm. Trong đó, gia đình được UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng mua ốc giống.
Ông Nguyễn Đức Phái - chủ trang trại nuôi ốc bươu đen ở Đức Thọ. |
“Ốc là loài ưa tĩnh, chỉ cần nước động là chúng thu mình, lặn xuống đáy hồ. Do đó, khi tiến hành cải tạo, tôi đã loại bỏ hết các loại cá trong ao rồi mới thả ốc giống. Ốc là loài dễ nhiễm bệnh và chết khi sống trong môi trường nước bị ô nhiễm, do đó, tôi luôn nhắc nhở người nuôi phải để ý đảm bảo nguồn nước cho ốc sinh trưởng”, ông Phái chia sẻ.
Sau 1 năm nuôi thử nghiệm, nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen cho lợi nhuận cao, dần chủ động được con giống, ông Phái tiếp tục mở rộng mô hình. Với quỹ đất hơn 8.000 m2, ông xây dựng hệ thống nhà kho chứa ốc, trứng ốc và tiến hành đào thêm 4 ao nuôi, diện tích từ 300-1.000 m2/ao. Với 5 ao, ông Phái chia 2 ao để nuôi ốc lấy trứng, 3 ao nuôi ốc thịt.
Ông Phái cho biết, sở dĩ gia đình không đào ao lớn mà phải chia thành nhiều ao nhỏ để nuôi ốc bởi tập tính sống ven bờ của ốc, không sống ở giữa ao. Do đó, nếu đào ao quá rộng sẽ lãng phí diện tích giữa hồ.
Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho ốc khá rẻ. Ốc chỉ ăn các loại bèo cám, bèo tây, bèo hoa dâu và cây mùng, táy. Hiện, trang trại ốc của ông Phái có sẵn 1 ao phụ để nuôi bèo hoa dâu làm thức ăn và cung cấp bèo cho các hộ nuôi ốc nhỏ lẻ lân cận.
Trung bình, mỗi năm trang trại của gia đình ông Phái cho thu hoạch hơn 3 tấn ốc thương phẩm. |
Mỗi năm, trang trại của gia đình ông Phái cho 2 vụ thu hoạch ốc thịt. Vụ đầu tiên từ tháng 2 đến cuối tháng 4 (âm lịch); vụ thứ hai từ đầu tháng 5 đến tháng 8 (âm lịch). Thời gian còn lại của năm, trang trại sẽ nuôi quy mô nhỏ hoặc cầm chừng vì ốc ngủ đông, chậm phát triển. Trung bình, mỗi năm 3 ao ốc thịt cho thu hoạch hơn 3 tấn ốc.
Đối với ốc lấy trứng, gia đình ông Phái sẽ tăng thêm lượng bèo vào tháng 3-5 (âm lịch) bởi đây là giai đoạn ốc cần nguồn thức ăn lớn để đẻ trứng. Trung bình, 2 ao ốc lấy trứng cho 2 kg trứng ốc/ngày vào giai đoạn cao điểm. Ngoài tự chủ nguồn giống, trang trại của ông Phái còn cung cấp ra thị trường 70-80 vạn con ốc giống/năm.
Ông Phái chủ yếu cung ứng ốc thịt và ốc giống cho thương lái hoặc hộ nuôi ở Đức Thọ, Hương Sơn và một số huyện lân cận tại Nghệ An. Với giá ốc bươu đen thương phẩm 80 nghìn đồng/kg; trứng ốc giá 400-900 nghìn đồng/kg; ốc giống 3 triệu đồng/1 vạn con; trung bình mỗi năm gia đình ông Phái thu về hơn 500 triệu đồng lợi nhuận từ nuôi ốc bươu đen.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ - Ngô Ngọc Hân cho biết: Hiện, toàn huyện đã xây dựng trên 60 mô hình nuôi ốc bươu đen, quy mô từ 1000 – 5000 m2. Qua quá trình nuôi cho thấy, đây là hướng đi thích hợp để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Cùng với đó, huyện Đức Thọ đã ban hành chính sách hỗ trợ, nhằm tạo thêm động lực, giúp bà con yên tâm trong phát triển mô hình.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện đã đồng hành với bà con từ khâu quy hoạch ao, quy trình kỹ thuật trong khâu chọn giống, chăm sóc, thức ăn, phòng trừ bệnh. Hiện trên địa bàn cũng đã thành lập Công ty TNHH Anh Xuân, ở xã Liên Minh để tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống và thu mua sản phẩm cho các hộ nuôi. Hiện tại, Hội Nông dân huyện đang tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen theo hướng hàng hóa, hiệu quả, an toàn, từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích./.