Ốc bươu đen còn được gọi là ốc nhồi |
Ốc bươu đen còn được gọi là ốc nhồi, ốc lác hoặc ốc mít Cônica với tên khoa học Pila Conica. Đây là một loài ốc nước ngọt, có thân mềm thuộc họ Ampullariidae.
Ốc bươu đen được tìm thấy chủ yếu ở vùng phía Nam của Việt Nam, Lào, Trung Quốc và Campuchia. Ở Việt Nam, ốc bươu đen thường sinh sống hoặc được nuôi tại các khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Nam Bộ. Ốc bươu “đen được người dân Nam Bộ chia thành 2 loại, đó là ốc bươu đen có đuôi vỏ thẳng và ốc bươu đen có đuôi vỏ nhọn.
Ốc bươu đen có vỏ khá nhẵn và bóng, những con kích thước lớn thì vỏ màu xanh đen, còn những con kích thước nhỏ thì vỏ màu xanh vàng. Trên bề mặt vỏ xuất hiện những đường vằn màu nâu tím chạy song song nhau .Đuôi ốc bươu đen có từ 5 - 5.5 vòng xoắn theo tầng, rãnh xoắn nông, đuôi ốc phình to dần từ tầng ốc trên đến tầng ốc cuối. Khi nhìn trực diện từ đỉnh đuôi ốc thì sẽ thấy ốc có dạng hình tròn.
Lỗ miệng của ốc bươu đen loe rộng với lớp sứ bờ trụ mỏng. Ốc bươu đen có vành miệng sắc đi kèm với nắp miệng ốc có tấm ở gần cạnh trong.
Hằng năm, ốc bươu đen sẽ ngoi lên mặt nước để tìm thức ăn vào khoảng tháng 2 âm lịch, sau đó đẻ trứng từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Vào những khoảng thời gian khác, ốc bươu đen thường sẽ ngủ đông nên không ăn gì cả. Trứng ốc bươu đen có màu vàng trắng hoặc màu trắng pha một chút màu đen, nhìn hoàn toàn khác với trứng ốc bươu vàng vốn có màu đỏ hoặc màu hồng.
Ngoài bán ốc thịt, ông Phạm Văn Lý còn ương trứng ốc để cung cấp cho các hộ nuôi. Ảnh: Trân Châu |
Báo Nghệ An đưa tin, trên 8 sào đất ruộng thực chất là khe - ao hỗn hợp, gần 10 năm nay, ông Phạm Văn Lý ở xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bền bỉ nuôi ốc và hiện tại, trang trại ốc ngày càng sinh sôi, phát triển.
Nhận thấy giá trị của con ốc và nhu cầu thị trường, gần chục năm về trước, ông Phạm Văn Lý đã tập trung làm sạch ao, lạch, thả bèo, trồng mướp, mít…, bắt đầu mày mò nuôi ốc. Ông trồng những vườn mướp hương trĩu quả, cắt mít chín trên cây rồi thái ra, thả cho ốc ăn.
Trang trại toạ lạc ở xã miền núi, giao thông đi lại còn nhiều cách trở, ông Lý phải chịu khó nghiên cứu sách vở, kết hợp kinh nghiệm thực tiễn, từng bước tiến hành nhân giống ốc trong các ao. Qua thời gian, trang trại của ông trở thành nơi cung cấp ốc thương phẩm ổn định cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Mỗi năm ông thả 20 vạn giống, cho thu hoạch gần 4 tấn ốc thương phẩm.
Ốc là loài ở sạch, ăn thức ăn tự nhiên nên ông Lý tận dụng cây trái trong vườn để nuôi ốc. Với không khí trong lành, xung quanh là núi đồi, nguồn nước sạch và ổn định dẫn từ mó cao trên núi xuống, ông Lý đã có một trang trại ốc chất lượng, cho sản phẩm ốc bươu đen tự nhiên, thịt dai, thơm chắc được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Phạm Văn Lý cho biết: Mỗi năm, ông xuất bán hơn 2 tấn ốc thịt, giá tại trang trại là 70.000 -80.000 đồng/kg. Ốc được tiêu thụ ở Tân Kỳ, thành phố Vinh, các tỉnh bạn. Có những lúc khách hàng mua cả tạ ốc thịt, có chừng nào bán hết chừng đó. Ngoài bán ốc thịt, ông còn tự nhân ốc giống để bán cho bà con có nhu cầu trong vùng. Trứng ốc bươu màu trắng, bán theo chén. Một chén ước chừng 400 con, 10 chén là 4.000 con, có khi một ngày ốc đẻ được 2 kg trứng và cung cấp cho người nuôi có nhu cầu. Nếu có dư thừa một ít thì ông thả xuống ao nuôi.
Ốc giống tỷ lệ nở cao, sinh trưởng nhanh, thức ăn của ốc giống là bèo thuỷ canh, thái mướp hương thành lát, ngũ cốc, cám gạo. Ông thả thức ăn tự nhiên vào ao ương nuôi ốc và ốc con bám vào mướp, bèo để ăn và lớn. Sau khoảng 4-5 tháng là có thu hoạch.
“Thức ăn của ốc rất quan trọng. Tôi phải trồng nhiều cây trái trong vườn để cho ốc ăn, đặc biệt là mướp hương, hạn chế mua ngoài để vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho ốc, vừa chủ động xử lý mầm bệnh cho ốc”- ông Lý cho biết.