Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày báo cáo tái cơ cấu nông nghiệp và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Tương quan giữa Quy hoạch và Cơ cấu lại nền Nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là không gian kinh tế đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng.
Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến Đầu tư hôm nay có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đất này. Quy hoạch nhất quán quan điểm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và lấy hệ sinh thái tự nhiên, "con người" làm trung tâm. Theo nhiều chuyên gia, Quy hoạch này sẽ là bước ngoặc để kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng được kích hoạt, tiềm năng sẽ được đánh thức, nhờ những vấn đề nội tại dần được khắc phục, cơ hội mới được mở ra.
Theo đó, quy hoạch nông nghiệp hướng đến tính tổng thể, chiến lược, chứ không chỉ là "phép cộng công thức" đơn thuần. Quy hoạch có tính "mở", tính linh hoạt tương đối, để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng, với những câu hỏi kinh tế học từ trăm năm nay: "Sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?"
Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng.
Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, Nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Cần Thơ đã đi vào hoạt động. Văn phòng đang thực hiện vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hoá các cơ sở dữ liệu, công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, chuẩn hoá quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các hiệp hội ngành hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống.
Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistic nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.
Sản xuất nông nghiệp ít nhiều tác động đến biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới, COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có nền kinh tế cân bằng các-bon. Nếu nói biến đổi khí hậu là một thách thức, thì từ góc nhìn tích cực, khi giải quyết được thách thức này, lại tạo ra thương hiệu cho Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù chịu tác động lớn của thiên nhiên, nhưng biết cách chủ động thích ứng, và phát triển một cách thông minh, hài hòa, thuận thiên.
Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp "đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên" gần đây đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong Vùng: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.
Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Cần Thơ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhiệm vụ xây dựng "Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Cần Thơ" có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển của Vùng. Đây là mô hình mới, nhận được nhiều sự quan tâm, vì vậy, tháng 5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo xin ý kiến 13 tỉnh, thành về Dự thảo Đề án.
Nhìn chung, đa số ý kiến quan tâm đến yêu cầu xác định cụ thể, chi tiết, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, với vị thế kết nối mang tính liên vùng, có sức tác động sâu rộng đến sự tăng trưởng, phát triển của ngành nông nghiệp. Nhiều ý kiến cũng thảo luận chuyên sâu về cơ chế chính sách, lĩnh vực ưu tiên đầu tư, mô hình tổ chức, quản trị và cách thức, lộ trình xây dựng Trung tâm.
“Với trách nhiệm thẩm định và trình Thủ tướng "Quyết định về quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm", chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Uỷ ban nhân dân Thành phố Cần Thơ thực hiện các phần việc tiếp theo, nhằm nhanh chóng hoàn thiện Đề án, cùng các thủ tục thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2022”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Để hoàn thiện Đề án đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, mang tính thị trường cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Cần Thơ tiếp tục làm rõ hơn mấy vấn đề cũng là câu hỏi đặt ra như sau:
Thứ nhất, mô hình của Trung tâm như thế nào thì phù hợp, hiệu quả? Hoạt động theo cơ chế đầu tư công - quản trị công, đầu tư công quản trị tư hay kết hợp công tư trong đầu tư và vận hành.
“Tôi cũng biết có ý kiến đề xuất theo mô hình khu công nghiệp, tuy nhiên nhiều ý kiến chưa đồng tình vì vai trò đa chức năng, vừa vận hành theo thị trường của doanh nghiệp, vừa góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp cả vùng theo hướng bền vững, vươn tầm ra thế giới. Hơn nữa tính kết nối trung tâm với các vùng miền như thế nào, dự kiến giao thông (đường hàng không, đường bộ, đường thủy) mở rộng kết nối ra sao, cũng cần làm rõ thêm trong các bước tiếp theo”, Bộ trưởng Hoan cho hay.
Theo Bộ trưởng, cũng cần tính đến sự đa dạng về mức độ phân cực và nhu cầu kết nối của từng địa phương trong Vùng đến Trung tâm, do khác biệt về khoảng cách, sự thuận tiện trong giao thương, giao thông của từng địa phương với Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai là các chính sách thí điểm theo Nghị quyết 45/2022/QH15 có thời hạn bao lâu? Nếu chỉ đến năm 2027 cho giai đoạn thí điểm thì có đủ sức hấp dẫn để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào không, vì hiện nay Đề án vẫn chưa bắt đầu triển khai. Ngoài ra, cần tính đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng trong và bên ngoài Trung tâm?
Thứ ba, là câu hỏi về việc khai thác, phát huy tính liên kết vùng, kết nối hiệu quả, liên tục, đồng bộ đến từng địa phương trong vùng. Cần xác định rõ đây là Trung tâm cấp Vùng đặt tại một địa phương, hay là Trung tâm của địa phương với nhiệm vụ kết nối cấp Vùng?
Thứ tư là vấn đề lộ trình và phân kỳ đầu tư. Trong Dự thảo Đề án, kế hoạch được xây dựng đầu tư theo giai đoạn. Giả định như tại dự thảo, giai đoạn 1 là 350 ha, thì tính khả thi, hiệu quả được đánh giá như thế nào khi giai đoạn sau, diện tích đầu tư lên đến 3000 ha, thì liệu có đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để thực hiện không?
Về vấn đề an ninh nguồn nước và đầu tư vào thủy lợi
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sông Cửu Long chín cửa hai dòng. Nguồn nước sông Tiền, sông Hậu dồi dào, đất đai màu mỡ tạo nên thương hiệu vùng đất trù phú và hào sảng. Nhưng đấy là chuyện của những ngày đã qua. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước, một số cửa sông bị bồi lắng, rồi biến mất, dòng chảy ít nhiều bị tác động bởi các công trình đập nước, hồ chứa ở thượng nguồn gây hệ luỵ sụt lún, sạt lở,… Xác định tính cấp thiết của thách thức này, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển vùng: "lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi".
Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở "nước ngọt", mà còn cả "nước lợ, nước mặn". Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước, bao gồm: "vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt lợ, ngọt - lợ luân phiên". Tinh thần "chủ động, linh hoạt" thích ứng với sự thay đổi sẽ tiếp tục mở ra dư địa, không gian phát triển mới.
Như cách thức một nhà khoa học phát minh thiết bị cảm biến tích hợp trí tuệ nhân tạo, đo đạc nồng độ mặn ngọt trên dòng Cổ Chiên, Trà Vinh, vốn thay đổi khác nhau theo từng giờ trong ngày, để tính toán thời điểm bơm nước tưới tiêu tốt nhất.
Như cách thức các nhà nông học, người nông dân tâm huyết kiên trì lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, mà thành công nhất là các loại giống dòng ST và nhiều giống bản địa đang được phục tráng khác. Như cách thức nhiều địa phương hợp tác với các nhà khoa học tạo ra các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn đa dạng về quy mô, dựa vào đặc điểm tự nhiên, tập quán sản xuất.
Với nguyên tắc "thuận thiên có kiểm soát", các công trình thủy lợi cấp vùng và tiểu vùng sẽ tiếp tục được khai thác hiệu quả, tổ chức quản lý, vận hành thống nhất, an toàn, phù hợp với định hướng chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiêu biểu như hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé vừa đi vào hoạt động. Đồng thời, các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân sẽ được kết hợp hài hoà, đồng bộ.
Định hướng đầu tư vào thuỷ lợi
Áp dụng nguyên tắc "đầu tư không hối tiếc" trong triển khai thực hiện. Tiếp tục đầu tư hệ thống công trình theo mục tiêu kiểm soát mặn kèm theo hỗ trợ, bổ sung ngọt để sử dụng nước mặn thực sự là nguồn tài nguyên tại vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt, đảm bảo tiếp tục phục vụ chuyển dịch sản xuất phù hợp đặc điểm, điều kiện theo từng vùng sinh thái. Đồng thời, tiếp tục đầu tư các công trình phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, sẽ chia làm 3 nhóm dự án để tính toán đầu tư như sau:
Nhóm 1: Đầu tư các dự án, điều tiết kiểm soát mặn, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhóm 2: Đầu tư hệ thống trữ ngọt theo hướng mở rộng các hệ thống chứa nước hiện có, cung cấp nước sinh hoạt, trữ nước hộ gia đình cho người dân khu vực thường xuyên xảy ra xâm nhập mặn.
Nhóm 3: Đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố hệ thống đê biển.
Về xúc tiến, thu hút đầu tư liên Vùng
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Một doanh nhân nước ngoài đã từng chia sẻ với tôi "Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn đều biết đến Mekong Delta – Đồng bằng sông Cửu Long". Liên kết Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa "Nhà nước – Thị trường – Xã hội", kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới”.
Bộ trưởng cho biết, gần đây, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã triển khai những dự án quy mô có tính liên tỉnh, hứa hẹn sẽ kích hoạt tiềm năng cùng lúc cho nhiều địa phương. Đó là những tín hiệu lạc quan minh chứng cho sự sáng tạo, năng động và sức sống của Đồng bằng. Vấn đề là chúng ta cần nối kết, lan toả những giá trị đó. Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung. Khi ấy, Đồng bằng sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistic nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.
Bằng quy hoạch và đầu tư hiệu quả, thương hiệu "Mekong Delta" rồi sẽ được nhận biết sâu sắc với hình ảnh một Đồng bằng, mặc dù chịu tác động lớn của thiên nhiên, nhưng biết cách chủ động thích ứng, vượt qua thách thức và phát triển một cách thông minh, hài hòa, thuận thiên.
Với việc ban hành quy hoạch tổng thể một cách rõ ràng, định hướng cụ thể cùng với ưu tiên đầu tư về kết cấu hạ tầng, hậu cần, dịch vụ, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân sẽ cảm thấy yên tâm hơn, sẽ thấy nhiều cơ hội hơn trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.