Những năm gần đây, Bắc Kạn triển khai nhiều chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông, lâm sản. Năm 2015, được hỗ trợ của tỉnh, Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại xã Bình Trung (Chợ Đồn) với công suất chế biến 19.300 m3 gỗ nguyên liệu/năm; sản xuất đũa gỗ 4.310 tấn sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 3.200 m3 sản phẩm/năm; dăm gỗ 3.200 tấn sản phẩm/năm. Từ tháng 9/2018 nhà máy chính thức hoạt động, mỗi ngày tiêu thụ 30 m3 gỗ.
Những năm trước, giá gỗ keo chu vi 50 cm ở Chợ Đồn chỉ 500 nghìn đồng/m3. Từ khi có nhà máy của công ty, giá đã lên 1,2 triệu đồng/m3. Nhà máy tạo việc làm cho khoảng 60 người dân địa phương, mức lương ổn định từ 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Mỗi tháng, nhà máy xuất bán sang thị trường Nhật Bản khoảng 80 m3 đũa gỗ, giá trị hơn 1,5 tỷ đồng.
Nhờ hỗ trợ nhiều giải pháp, các cơ sở chế biến nông, lâm sản quy mô vừa và nhỏ đều phát huy hiệu quả
Đến nay, Bắc Kạn đã có 230 cơ sở, nhà máy chế biến gỗ, đáp ứng vùng nguyên liệu rừng trồng rộng lớn của tỉnh. Tại Khu công nghiệp Thanh Bình, Công ty chế biến gỗ GOVINA đầu tư 160 tỷ đồng xây dựng nhà máy công suất 120.000 m3/năm; sản xuất ván dán nội thất chất lượng cao, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tạo việc làm cho 160 lao động với mức lương trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy sản xuất ván ép và ván sàn của Công ty TNHH Le Chen Wood VN là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, có mức đầu tư 180 tỷ đồng, sản lượng 30.000 m3 ván dán và 200.000 m2 ván sàn/năm cũng đã đi vào hoạt động trong khu công nghiệp.
Tại Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới), Công ty TNHH Việt Nam Misaki đầu tư công nghệ chế biến của Nhật Bản để chế biến mơ quả, gừng, kiệu... xuất bán sang Nhật Bản. Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki Hoàng Thị Lập cho biết, năm 2019, công ty đã thu mua hơn 500 tấn mơ quả với giá bình quân 14.000 đồng/kg. Năm 2020, công ty vừa tuyển dụng thêm, nâng tổng số lao động lên 50 người. Đồng thời, hợp đồng với nhiều địa phương, HTX trong tỉnh để phát triển vùng nguyên liệu quả mơ, củ gừng, rau cải... nhằm mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hỗ trợ công ty, Bắc Kạn đã giao ngành chức năng triển khai đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu đầu vào cho công ty trên địa bàn.
Mặc dù có nhiều khởi sắc, nhưng cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng ở Bắc Kạn vẫn có công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15 đến 30%. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản trong khi một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ... chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Để phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông, lâm sản, Bắc Kạn triển khai khôi phục, phát triển 15 làng nghề; phấn đấu mỗi huyện có ít nhất một điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề, có ít nhất 100 sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" đạt từ 3 sao trở lên. Tỉnh lấy lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu là trọng tâm cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mục tiêu giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ đến năm 2025 (theo giá so sánh) đạt 2.099 tỷ đồng, trong đó lâm nghiệp tăng 2,09 lần, chế biến tre, gỗ, nứa tăng thêm hơn 20 lần so với năm 2018. Đối với lĩnh vực trồng trọt, đến năm 2025 giá trị tăng thêm đạt 2.380 tỷ đồng, tăng 1,29 lần so với hiện tại (hiện nay là 1.845 tỷ đồng). Giá trị tăng thêm trong lĩnh vực chăn nuôi đạt 1.161 tỷ đồng, tăng 1,61 lần so với hiện tại.
Khánh Hòa