Từ tháng 8 đến nay, thị trường xuất khẩu bắt đầu có những tín hiệu tốt, nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường lớn dần tăng trở lại. |
Thị trường xuất khẩu bắt đầu có những tín hiệu tốt
Theo số liệu trên báo Sóc Trăng, từ đầu tháng 9 đến nay, giá tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có chiều hướng tăng nhẹ với hầu hết các kích cỡ. Giá tôm thẻ loại 100 con/kg từ mức chỉ 65.000 - 70.000 đồng/kg hiện đã tăng lên 78.000 - 81.000 đồng/kg. Loại 50 con/kg giá 106.000 - 109.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 137.000 - 140.000 đồng/kg… Riêng tôm thẻ loại 20 con/kg thuộc loại hàng hiếm nên có giá khoảng 181.000 đồng/kg.
Trong khi đó, theo tính toán của người nuôi tôm, do giá vật tư đầu vào cao và tỉ lệ thành công ở vụ nghịch này thấp, nên giá thành tôm thẻ loại 100 con/kg hiện vào khoảng 75.000 - 78.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá thành 85.000 - 90.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá thành 98.000 - 105.000 đồng/kg.
Nhìn vào bảng giá thành trên có thể thấy, nếu nuôi tôm đạt tỉ lệ sống cao và nuôi được kích cỡ từ 50 con/kg trở về lớn người nuôi vẫn có lợi nhuận ở mức chấp nhận được. Điều này lý giải vì sao hiện những mô hình nuôi tôm lót bạt ứng dụng công nghệ cao vẫn đang tiếp tục nuôi còn những hộ nuôi ao đất thì hầu hết đều đã ngưng nuôi.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những tháng đầu năm 2023 tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, thị trường xuất khẩu bắt đầu có những tín hiệu tốt, nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường lớn dần tăng trở lại. Dự báo những tháng cuối năm 2023, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các nước sẽ tăng để phục vụ dịp lễ giáng sinh và năm mới.
Theo số liệu thống kê từ VASEP, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù xuất khẩu tôm trong tháng 9/2023 chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Đáng chú ý, trong tháng 9 đã nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như: Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc) với mức tăng trưởng dương từ 1%-54%.
Đặc biệt với thị trường Mỹ, trong tháng 9/2023 xuất khẩu tôm ghi nhận mức tăng trưởng 23% - mức cao nhất tính từ tháng 7. “Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 - đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương”, VASEP nhận định.
Nhìn vào số liệu có thể thấy những tháng gần đây, kết quả xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục. Hai thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường lớn này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây.
Theo VASEP, với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như: Mỹ, Canada, Australia, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm. Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.
Dự báo thị trường trong thời gian tới, đại diện VASEP cho biết, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính: Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự đoán ít nhất tới năm 2024, cơ hội phục hồi mới khả quan hơn, khi áp lực về tồn kho đã hạ nhiệt.
Xuất khẩu tôm tăng, nhưng khó khăn vẫn chưa hết
xuất khẩu tôm tăng, nhưng khó khăn vẫn chưa hết. |
Thời gian gần đây, mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, song theo ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), xuất khẩu tôm tăng, nhưng khó khăn vẫn chưa hết. Lý giải thêm về tình trạng này, ông Phục cho biết, do áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm lớn, trong khi sức tiêu thụ giảm vì lạm phát, tình hình tồn kho… nên dù đã vào cao điểm xuất hàng, lượng tôm tiêu thụ có tăng nhưng giá tôm xuất khẩu chưa được cải thiện nhiều.
Cũng theo ông Phục, hiện nay, các doanh nghiệp đang tập trung giao hàng cho đối tác và dự kiến sẽ kết thúc cao điểm chế biến xuất khẩu vào khoảng cuối tháng 11. “Thông thường, hợp đồng giao hàng cho nhà nhập khẩu các nước châu Âu hay Bắc Mỹ tập trung mạnh từ giữa tháng 10 cho đến cuối tháng 11, sau đó giảm dần từ tháng 12 cho đến quý I năm sau. Riêng các đơn hàng cho các nước châu Á, như: Nhật, Hàn Quốc… vẫn duy trì đến hết năm. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp lo lắng hơn là khó khăn của năm 2023 này liệu có tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm của năm 2024 hay không”, ông Phục chia sẻ.
Phân tích về thị trường Mỹ - một trong những thị trường lớn của tôm Việt Nam, ông Phạm Quang Huy - Tham tán nông nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, sản lượng tôm ở Mỹ sản xuất chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng, 90% còn lại phải nhập khẩu. Bởi vậy, đây là thị trường còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp ngành tôm có thể khai thác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng tôm giống...
Nói về câu chuyện xuất khẩu tôm, ông Trương Đình Hòe - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện một số nước đối thủ cạnh tranh tôm của Việt Nam sẽ phải tiêu thụ hết lượng tôm nuôi lớn, trong khi đó, chúng ta có cơ hội trong những tháng cuối năm khi có sản lượng để thu hoạch.
Để tận dụng được cơ hội trong những tháng cuối năm khi thị trường quốc tế gia tăng nhu cầu, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin về thị trường để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch hành động. “Để xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2023, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm lợi thế là tôm sú. Đồng thời, tăng cường xuất khẩu vào Trung Quốc, tăng cường xuất các sản phẩm tôm có giá trị gia tăng vào thị trường EU, tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA để tăng sức cạnh tranh”, ông Trương Đình Hòe nhận định.