Quang cảnh đại hội. |
Dừa là loại cây trồng truyền thống, có mặt hầu hết trên khắp mọi miền đất nước với gần 200.000 ha. Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân.
Hiện nay, ngành dừa Việt Nam đã có những khởi sắc sau khi Mỹ và các nước châu Âu đã bắt đầu mở cửa nhập khẩu tự do cho trái dừa Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc cũng đã có thông tin đưa ra kế hoạch nhập khẩu tự do trái dừa Việt Nam thông qua các đảo ươm trồng.
Chia sẻ tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần II, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra ngày 28/10 tại TP.HCM, ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, từ những năm 1990 - 1992, trái dừa Việt Nam đã được xuất khẩu, nhưng sản phẩm chủ yếu gia công các sản phẩm là nguyên liệu thực phẩm, người nông dân trồng dừa tự bơi do sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa có bộ quy chuẩn sản xuất cụ thể.
Sau lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ nhất tháng 1/2009, Hiệp hội Dừa Việt Nam được thành lập trong bối cảnh ngành dừa vẫn còn non yếu, công nghệ chế biến thô sơ, nhỏ lẻ, giá trị của dừa chưa được khai thác triệt để nên các Bộ, ngành gần như chưa biết đến giá trị kinh tế của dừa, kim ngạch xuất khẩu chỉ mới trên 100.000 USD.
Đến năm 2021, Thủ tướng chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT chính thức đưa cây dừa vào danh sách cây công nghiệp chủ lực để lập đề án phát triển.
Năm 2022, Hiệp hội dừa Việt Nam có 112 hội viên, gồm 46 doanh nghiệp, 2 tổ chức, và người dân trồng dừa. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và sản phẩm liên quan đến dừa (bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, gỗ... có thành phần nguyên liệu từ dừa) là 940 triệu USD.
Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn nên ngành dừa sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, quý II và III/2023, ngành dừa đón nhận nhiều tin vui khi trái dừa được xuất chính ngạch vào thị trường Mỹ và một số nước châu Âu, cùng với việc Trung Quốc đang xem xét tích cực cho nhập khẩu trái dừa Việt Nam vào thị trường này.
Dừa được dự báo lọt top xuất khẩu tỷ đô vào năm 2024 |
Hiện cả nước có 90 doanh nghiệp ngành dừa và liên quan đến dừa, trong đó, có 42 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa trên cả nước hiện nay. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ, nhiều trang trại dừa rộng hàng trăm ha ra đời ở Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định... đón đầu xu hướng, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu vượt trội trong thời gian tới.
Tại các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tây Ninh... đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp trồng trọt, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ dừa, và các sản phẩm liên quan đến dừa.
Hiện nay, gần 15 trang trại trồng dừa chuyên canh có diện tích trên 100ha/1 trang trại ở các tỉnh như Long An, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa và Bình Định.
"Từ một hiệp hội nhỏ bé, Hiệp hội dừa Việt Nam đã đóng góp vào quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm để ngành dừa Việt Nam, hiện diện nhiều hơn trên thị trường thế giới, tạo đà phát triển cho nhiều nhóm ngành khai thác khác từ dừa", ông Cao Nguyễn Đăng Khoa nói.
Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng dự báo rằng, đến năm 2024 giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cho biết thêm, trong tháng 9, Việt Nam tăng cường xuất khẩu nước dừa vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư mà hai nước đã ký kết. Còn thị trường Mỹ cũng đang bắt đầu tiếp nhận dừa trái của Việt Nam.
Với thị trường mới này, theo bà Thanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tập trung vào phát triển nguồn nguyên liệu. Hiện nay, vùng nguyên liệu chưa thật sự ổn định. Chính vì thế, khi các thị trường nước ngoài mở cửa, chúng ta phải có những chính sách về sản xuất, chiến lược phát triển cũng như về giá cả.
Nhằm nâng cao giá trị cây dừa, hiệp hội cùng Bộ Công Thương xây dựng thương hiệu và bộ nhận diện cho ngành dừa Việt Nam với mục tiêu định vị thương hiệu, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về thực phẩm Việt Nam. Ngoài ra, hiệp hội đưa sản phẩm dừa Việt Nam tham gia Hội chợ thực phẩm tại Pháp, Ý và Trung Quốc.