Trái dừa Bến Tre rẻ hơn cốc trà đá, người trồng dừa còn khốn đốn vì sâu hại Có một loại quả quý hiếm ở Trung Quốc không kém sầu riêng, ở Việt Nam rụng đầy ven sông |
Tiền Giang và Bến Tre có vườn dừa tươi chuyên canh lớn nhất khu vực ĐBSCL. |
Phấp phỏng lo âu khi trái dừa giá ngang cốc trà đá
Do đầu ra bấp bênh nên trái dừa tươi tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thường xuyên bị rớt giá, nhà vườn trồng loại cây này thu nhập không cao. Vào cao điểm mùa mưa như hiện nay giá dừa xiêm xanh nhà vườn bán chỉ có giá từ 35 - 45 ngàn đồng/chục (12 quả), các loại giống dừa tươi khác thương lái thu mua với giá dưới 35.000 đồng/chục. Như vậy mỗi trái dừa chỉ có giá khoảng 3.000 đồng, ngang với cốc trà đá vỉa hè.
Tiền Giang và Bến Tre là 2 địa phương có diện tích vườn dừa lớn nhất vùng ĐBSCL. Chỉ riêng vườn dừa tươi có đến hơn 35.000 ha; trong đó tỉnh Bến Tre chiếm hơn 20 ngàn ha, chủ yếu giống dừa Xiêm Xanh, dừa Đỏ... Trước đây, trái dừa tươi ở các địa phương này có xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như: Nga, Mỹ, Nhật Bản... nhưng số lượng không nhiều do rất khó đạt yêu cầu về tiêu chuẩn của đối tác.
Do khó khăn về tiêu thụ, có thời điểm trái dừa tươi ở Bến Tre có giá chưa tới 3.000 đồng mỗi trái. |
Trước thông tin giữa tháng 8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa về dừa tươi Việt Nam để xem xét cho phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này, cả doanh nghiệp và nhà vườn tỉnh Bến Tre và Tiền Giang rất phấn khởi, tin rằng đầu ra và giá dừa sẽ triển vọng hơn. Nhà vườn đang tích cực chăm sóc vườn dừa đạt năng suất và chất lượng cao.
Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Dừa Hạnh Phúc tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Trái dừa xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc có triển vọng lớn lắm. Nói chung đây là thị trường dễ tính, chi phí đóng gói không cao như các thị trường các nước khác, ví dụ như vô thùng giấy, hay gỗ, nhựa cũng được. Nói chung niềm tin là diện tích dừa ở đây rất nhiều, thị trường Trung Quốc rất cần trái dừa lắm. Hiện nay, trái dừa dễ làm mã số vùng trồng hơn các loại trái cây khác. Thị trường Trung Quốc là dễ tính, nếu trái dừa qua đó càng sớm thì nông dân rất phấn khởi, nói chung dân có sẵn không cần phải sản xuất lại”.
Sơ chế dừa tươi xuất khẩu ở Công ty TNHH Trái cây Mekong tại tỉnh Bến Tre. |
Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000 ha. Thời gian qua, các địa phương khu vực ĐBSCL đã tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dừa theo tiêu chuẩn Gap, Global Gap, hữu cơ… Đây là điều kiện để dừa có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… Và khi Trung Quốc đồng ý xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm lợi thế sẽ càng rộng đường xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, việc tuân thủ những qui định, tiêu chuẩn là điều không thể bỏ qua.
Nỗ lực nâng cao chất lượng trái dừa đạt chuẩn xuất khẩu
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, giữa tháng 8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa về dừa tươi Việt Nam để xem xét cho phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu để đánh giá, phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi, từ đó làm căn cứ cho việc kí Nghị định thư.
Hiện nay, Trung Quốc tiêu thụ dừa rất lớn, trong khi khả năng cung ứng trong nước chỉ 10%. Chính vì thế khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa Việt Nam đây sẽ là cơ hội cho các địa phương, nhất là ĐBSCL như Trà Vinh hay Bến Tre.
Vườn dừa gần 140 gốc của ông Trần Văn Cống (Phong Nẫm, Giồng Trôm, Bến Tre) cứ đều đặn 25 ngày cho thu hoạch một đợt. Nhờ chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt nên năng suất, chất lượng luôn đảm bảo. Đợt này ông bán được 90.000 đồng/chục, trong khi giá thị trường chỉ bằng phân nửa. "Rải phân hữu cơ, bồi bùn, tưới, còn xịt thuốc thì dùng thuốc sinh học", ông Cống cho biết.
Trái dừa tươi đã được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính nhưng số lượng còn hạn chế. |
Quy trình trên được doanh nghiệp chuyển giao sau khi cùng nhà vườn bắt tay liên kết. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ trong gần 80.000 ha dừa của toàn tỉnh Bến Tre. Chính vì thế, thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam được nhiều nhà vườn và các địa phương trong tỉnh đón nhận một cách tích cực và đầy phấn khởi.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết: "Phải tuân thủ kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Về kiểm dịch thực vật phải chú ý không có 9 dịch hại mà Trung Quốc quan tâm, gồm 5 loài rệp, 1 loài mối, 1 loài bọ cánh cứng hại dừa và 2 loại cỏ. Còn với an toàn thực phẩm thì hướng dẫn bà con quản lý dịch hại, dùng thuốc không để lại dư lương và ghi chép sổ sách để truy xuất nguồn gốc khi cần thiết".
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Mekong cho biết: "Lâu nay sản xuất thì quy trình cũng tương đương với các yêu cầu của đối tác Trung Quốc, nên tôi nghĩ câu chuyện xây dựng mã số nhà máy cũng không đến nỗi khó khăn. Tuy nhiên cũng có một số điều chỉnh cho nó phù hợp với yêu cầu của Trung Quốc".
Còn với Công ty TNHH MTV Dừa Hào Quang, do đã có kinh nghiệm xuất khẩu dừa tươi sang châu Âu nên không quá khó để đáp ứng các yêu cầu về vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói từ phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường tỷ dân cũng có nhiều phân khúc để các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa lợi thế.
Hiện các địa phương trồng dừa đang rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ. Chỉ riêng Bến Tre đã có hơn 7.000 ha dừa đạt chứng nhận này. Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.
Từ khi nhận thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Mekong đã điều chỉnh, bổ sung quy trình tại nhà đóng gói. Trái dừa tươi từ vùng nguyên liệu sẽ phải trải qua 5 bước, trước khi đóng gói thành phẩm để xuất khẩu. Theo Cục Bảo vệ thực vật, đã có 55 lớp tập huấn về quy định kiểm dịch thực vật, với gần 5.000 cán bộ kỹ thuật được tổ chức. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, để các địa phương tuyên truyền về qui định kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như các qui trình canh tác, quản lý dịch hại đến với bà con nông dân và doanh nghiệp./.