Xuất khẩu nông sản tăng gần 15%
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) 8 tháng năm 2021, nhiều nhóm hàng nông sản, lâm sản giữ được mức tăng trưởng giúp cho xuất khẩu vẫn đạt 15,4 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nỗ lực nhất là ngành thủy sản đạt 5,6 tỷ USD, tăng hơn 7%; Rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tăng gần 12%; Hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, tăng hơn 15%; Cà phê đạt 2 tỷ USD, tăng 1,1%; Cao su đạt có mức tăng ấn tượng nhất 1,9 tỷ USD, tăng 60%; Sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 776 triệu USD, tăng hơn 28%.
Xuất khẩu nông sản vẫn là một "điểm sáng” của nền kinh tế |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của tháng 8 đang có xu hướng chững lại. Từ nay đến cuối năm, những thách thức đặt ra với xuất khẩu nông sản sẽ là vấn đề cần sớm giải quyết. Nếu không, mục tiêu đạt kim ngạch 45 tỷ USD trong năm nay sẽ khó có thể trở thành hiện thực.
Tận dụng lợi thế FTA
Xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm đang đối diện với không ít thách thức là một thực tế. Dễ nhận thấy nhất là những thách thức từ thị trường Trung Quốc - thị trường nhập khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam. Một mặt, Trung Quốc đang siết chặt việc kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu. Mặt khác, Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra để phòng chống COVID-19.
Bộ Công Thương nhận định, "điểm sáng" xuất khẩu thời gian qua có được phần lớn là nhờ Việt Nam đã tận dụng rất tốt lợi thế từ những Hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới. Hầu hết các thị trường đã kí hiệp định đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, việc tăng trưởng xuất khẩu còn đến từ chính nỗ lực của nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân, khi đã chủ động thay đổi để thích nghi. Tăng cường chế biến và đa dạng hóa thị trường cũng đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Gắn nông dân với thị trường
Về lâu dài, để chủ động trong việc tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) sẽ là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ nhằm phối hợp triển khai chương trình.
Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thông tin thông suốt từ đầu cung là Bộ NN&PTNT đến đầu cầu là Bộ Công Thương. Thị trường hiện nay thay đổi từng phút một. Khi cái mới chưa kịp định hình, cái mới hơn đã chuẩn bị xuất hiện để thay thế. Sự nhạy cảm của thị trường đầu ra nhiều khi quyết định yếu tố đầu vào”.
Chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp, gắn nông dân với thị trường, giúp các đầu mối sản xuất và xuất khẩu được kết nối trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: "Bộ NN&PTNT đã lập ra một bộ phận bắt đầu tích hợp dữ liệu thông qua 63 tỉnh, thành để hình dung trong một thời điểm có bao nhiêu nông sản thu hoạch, sau đó cân đối thông tin và chuyển qua đầu cầu là hệ thống phân phối."
Đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định doanh nghiệp nông nghiệp luôn thể hiện được sự linh hoạt trong kinh doanh. Từ đó, góp phần thể hiện vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp với nền kinh tế.