Cúm A bùng phát, thuốc Tamiflu "khan hàng" gây nên tình trạng loạn giá Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm Bộ Y tế mở rộng quy mô chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi |
Ngày 12/2, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa.
Theo Cục Quản lý Dược, gần đây, số ca mắc cúm mùa, đặc biệt là cúm A, đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
Nhằm đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt là thuốc trị cúm A như Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir, Cục yêu cầu các đơn vị liên quan, bao gồm Sở Y tế các tỉnh, thành phố, khẩn trương thực hiện các chỉ đạo trong Công văn số 3847/QLD-KD ngày 2/12/2024 và Công văn số 414/QLD-KD ngày 7/2/2025 về đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A nếu không có chỉ định của bác sĩ.
![]() |
Thuốc điều trị cúm A Tamiflu. |
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các Sở Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh thuốc kháng virus điều trị cúm, bao gồm hành vi kê khai giá sai quy định, không niêm yết giá hoặc bán cao hơn giá niêm yết. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn mà không có đơn của bác sĩ, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế cần chủ động đảm bảo nguồn cung thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt là cúm A, nhằm tránh tình trạng thiếu thuốc. Đồng thời, phải thực hiện đúng quy định về mua bán và quản lý giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc cũng được yêu cầu khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung, đồng thời thực hiện đầy đủ hợp đồng cung ứng thuốc theo kết quả trúng thầu đã ký.
Cục Quản lý Dược nhấn mạnh, các nhà thuốc bán lẻ phải tuân thủ quy định về bán thuốc theo đơn, hướng dẫn người dân sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao trong cộng đồng, do virus cúm gây ra, chủ yếu thuộc nhóm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (25%). Virus cúm có thể tồn tại lâu ngoài môi trường, đặc biệt trong điều kiện nhiệt độ thấp và độ ẩm cao.
Triệu chứng ban đầu của cúm bao gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và thường tự khỏi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng, gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, thai phụ, trẻ nhỏ và người mắc bệnh nền.
Trước tình trạng gia tăng ca mắc cúm, nhiều người dân đang tích trữ Tamiflu, khiến thuốc bị đẩy giá cao và khan hiếm. Trên mạng xã hội, một số cá nhân còn rao bán thuốc nhập khẩu không rõ nguồn gốc, gây hoang mang dư luận.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng 80-90% trường hợp cúm có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc kháng virus. Tamiflu chỉ thực sự cần thiết với các ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ biến chứng và phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh rằng Tamiflu chỉ hiệu quả nếu dùng trong 48 giờ đầu sau khi mắc cúm. Do đó, người dân không nên tự ý mua và tích trữ thuốc, tránh lãng phí và sử dụng sai cách.