Cụ thể, theo Quyết định phê duyệt danh mục mô hình thí điểm (đợt 1) mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có 9 xã trong cả nước được chọn thí điểm; trong đó, có 6 mô hình xã nông thôn mới thông minh và 3 mô hình xã thương mại điện tử.
Ngoài xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định), năm xã thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh gồm: Xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên); xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, (Thừa Thiên Huế); xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên); xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn (An Giang) và xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long).
Ba xã thí điểm mô hình xã thương mại điện tử là: Xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang); xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) và xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).
Xã Giao Phong, Nam Định đạt thành tích tốt trong xây dựng nông thôn mới
Xã Giao Phong là một trong sáu xã ven biển của huyện Giao Thủy, có hơn 6.800 nhân khẩu ở 11 xóm; Đảng bộ xã có 380 đảng viên, sinh hoạt tại 16 chi bộ; người dân xưa nay cần cù, năng động, giỏi trồng màu và nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Cuối năm 2022, Giao Phong trở thành xã đầu tiên của huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nổi trội về lĩnh vực giáo dục.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, dịch vụ, thương mại, nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản là mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Xã hiện chỉ còn dưới 1/% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Quá trình xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí kiểu mẫu, xã Giao Phong đã huy động được 196.663 triệu đồng để thực hiện.
Báo cáo đề xuất mô hình thời điểm cuối năm 2022 của Sở NN và PTNT Nam Định cho biết liên quan đến chuyển đổi số xã Giao Phong đã đạt một số kết quả trong thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Trong đó, xã có 1 điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 82,1%; có 11/11 xóm trong xã có hệ thống loa hoạt động thường xuyên; có 11/11 xóm trong xã có các hộ gia đình thu xem được 1 trong các phương thức truyền hình vệ tinh, số mặt đất, truyền hình qua mạng Internet; có 2 điểm cung cấp xuất bản phẩm.
Xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, kết quả số hóa thủ tục hành chính (TTHC), kết quả thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…của xã đạt cao.
Xã có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, 100% sản phẩm OCOP của xã được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ.
Sản phẩm chủ lực của xã là khoai tây với diện tích 32,4 ha. Xã triển khai ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã. Vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng theo quy định. Tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử đạt 12%.
Xã đã triển khai quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội. Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 95%.
Thời gian thực hiện thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh đối với Giao Phong là từ nay đến năm 2025. Dự kiến tổng kinh phí triển khai mô hình khoảng 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 8 tỷ đồng, còn lại là ngân sách đối ứng của địa phương.
Nông thôn mới thông minh
Theo Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng, nông thôn mới thôn minh là chương trình hướng tới việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột là Phát triển chính quyền số ở nông thôn, Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, và Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Chương trình trên được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo).
Mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.