Nông dân Sa Pa chia sẻ kinh nghiệm trồng rau mầm đá |
Rau mầm đá được nông dân Sa Pa (Lào Cai) trồng phổ biến khoảng 5 năm nay. Loại rau mầm đá này ưa lạnh, phù hợp với độ cao khoảng 1.500 - 2.100 m so với mực nước biển, thời gian sinh trưởng khoảng 90 - 100 ngày.
Mầm đá là loại rau họ cải, có khả năng chống chịu rét đậm, rét hại rất tốt, thậm chí có thể vượt qua mưa tuyết. Đối với người nội trợ tại Lào Cai, rau mầm đá không quá xa lạ. Trước đây, gần như toàn bộ sản phẩm rau mầm đá có mặt trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc, bởi thời điểm đó người dân Lào Cai chưa trồng được loại rau này.
Được sự tư vấn từ đối tác phía Trung Quốc, cách đây hơn 5 năm, anh Bùi Huy Thịnh (tổ 1, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa) đã đưa mầm đá về trồng thử nghiệm tại địa phương. Sau vài vụ cho thấy cây rau mầm đá thích ứng tốt với khí hậu Sa Pa, có năng suất cao và thị trường tiêu thụ tốt, anh Thịnh bắt tay liên kết với những hộ xung quanh để nhân rộng mô hình trồng rau mầm đá.
Anh Bùi Huy Thịnh cho biết: 3 tháng mùa đông tại các xã vùng cao của Sa Pa rất khắc nghiệt, bởi vậy tôi mong tìm được cây trồng phù hợp để canh tác trong thời gian này nhằm nâng cao thu nhập. Khi được bạn bè tư vấn, tôi đã sang Trung Quốc học kinh nghiệm, mang cây mầm đá về trồng thử. Tôi vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Khi nắm chắc quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc loại rau này, tôi mới liên kết với người dân địa phương mở rộng diện tích trồng.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh Thịnh liên kết với 6 hộ tại Ô Quý Hồ trồng khoảng 30 ha rau mầm đá. Thực hiện liên kết, anh cung ứng giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm rau mầm đá của người dân. Sản phẩm rau mầm đá thường cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao.
Các hộ liên kết với cơ sở của anh Thịnh đều sản xuất theo tiêu chuẩn, có sự đánh giá của các cơ quan chuyên môn nên sản phẩm được đánh giá cao và được đóng gói, dán nhãn cung ứng cho các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Anh Vũ Toàn Thắng ở tổ 1, phường Ô Quý Hồ cho biết: Gia đình chúng tôi chuyên trồng các loại rau phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Mặc dù đầu tư cả nhà lưới nhưng vào mùa đông gần như không thể trồng rau gì. Những năm gần đây, anh Thịnh và một số hộ xung quanh trồng thành công rau mầm đá nên năm nay gia đình tôi cũng tham gia liên kết trồng.
Khi thực hiện liên kết, chúng tôi phải sản xuất theo đúng quy trình, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn. 1 ha rau mầm đá cho sản lượng khoảng 25 tấn, thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng.
Bà Cao Thị Hòa Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai đánh giá: Mô hình trồng rau mầm đá đang được triển khai tại các địa phương như xã Tả Phìn, phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa), xã Y Tý (huyện Bát Xát) mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy được lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng. Đây là cây trồng mới, sản phẩm được thị trường đón nhận, đang được các địa phương nhân rộng.
Mô hình trồng rau cải mầm đá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với trồng lúa |
Sau một thời gian đưa vào trồng thử nghiệm tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), rau cải mầm đá thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu, cho chất lượng sản phẩm cao, hứa hẹn là loài cây trồng tạo ra sinh kế mới cho người dân địa phương trong tương lai.
Ông Lý A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết: Tháng 10/2021 huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có chương trình đưa cây cải mầm đá vào trồng thử nghiệm tại xã Nậm Khắt với diện tích 7ha. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích phát triển tốt, đã cho thu hoạch và đem lại nhiều tín hiệu khả quan. Cải mầm đá là loại cây không chỉ có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao mà còn có khả năng chống chịu được với băng giá - một dạng thời tiết điển hình ở huyện vùng cao Mù Cang Chải...
Ông Nguyễn Hoàng Anh, một chủ hộ tham gia mô hình rau cải mầm đá ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt cho biết: “Bà con chúng tôi rất vui và phấn khởi khi cấp trên đưa chương trình cây cải mầm đá về địa phương. Quá trình sản xuất chúng tôi thấy loài cây này chống chịu tốt với khí hậu và cho sản phẩm chất lượng, bán được giá, nên đời sống của bà con đã có sự cải thiện…”.
Ông Hoàng Trọng Hân, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mù Cang Chải cho biết: Qua hiên cứu, địa phương nhận thấy khí hậu ở Mù Cang Chải rất giống với Sa Pa (Lào Cai) nên đã quyết định đầu tư trồng thử nghiệm giống rau cải mầm đá ở Nậm Khắt với mong muốn cung cấp ra thị trường các sản phẩm rau củ chất lượng để dần thay thế các nguồn rau củ nhập từ Trung Quốc. Trung bình mỗi cây rau mầm đá có trọng lượng 1,5 - 2 kg, sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/ha”.
Ngoài việc tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi với loại cây này, các mô hình sản xuất ở Nậm Khắt cũng đã áp dụng thêm một số kỹ thuật để sản phẩm rau cải mầm đá đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất như: Tăng cường bón phân chuồng; sử dụng thuốc chống nấm để ngăn ngừa bệnh cho cây; bổ sung đạm, tăng lân và kali để cây cứng cáp, tăng sức đề kháng, chống chịu tốt với các loại bệnh gây hại cho rau.
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế của mô hình rau cải mầm đá ở Nậm Khắt bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi giống cơ cấu cây trồng để chọn những cây có giá trị kinh tế cao và áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong sản xuất để tăng sản lượng và lợi ích kinh tế cho nông dân. Đây là hướng đi mới, cách làm năng động, cho thấy hiệu quả bền vững trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, mang lại giá trị cao, mở ra cơ hội sinh kế mới, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con ở các xã huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Ông Hoàng Trọng Hân, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mù Cang Chải cho biết: Qua hiên cứu, địa phương nhận thấy khí hậu ở Mù Cang Chải rất giống với Sa Pa (Lào Cai) nên đã quyết định đầu tư trồng thử nghiệm giống rau cải mầm đá ở Nậm Khắt với mong muốn cung cấp ra thị trường các sản phẩm rau củ chất lượng để dần thay thế các nguồn rau củ nhập từ Trung Quốc. Trung bình mỗi cây rau mầm đá có trọng lượng 1,5 - 2 kg, sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/ha”.