Những vùng chuyên canh cây ăn quả đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân vùng Phủ Quỳ. |
Bỏ vườn tạp trồng chuyên canh cây ăn quả
Đến xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, bởi tất cả các vườn hộ gia đình đều được phủ kín một màu xanh cây chuối. Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Xường tâm sự: Nói về đất vườn thì dân Nghĩa Khánh có diện tích rất lớn, mỗi gia đình có 1,5 đến 2 sào ( 500 m2/sào). Nhưng trước đây họ trồng đủ các loại cây hỗn tạp, cây trái nhiều, tuy nhiên chỉ mang tính chất ăn chơi, trao đổi.
Ngoại trừ dăm ba hộ có trồng chuối thì lúc nào cũng thấy người đến mua. Cũng từ đây, và phải mất một thời gian, lãnh đạo xã đi thăm dò tìm hiểu thị trường rồi trở về tổ chức vận động toàn dân phá bỏ cây vườn tạp. Lúc đầu căng thẳng lắm, nhưng qua phân tích thì dân cũng hiểu việc phá bỏ vườn tạp để thay thế cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao là rất chí lý.
Nhờ đó, Nghĩa Khánh bây giờ đã trở nên một điển hình cả tỉnh Nghệ An về trồng chuối trong vườn hộ. Xã có 2.200 hộ thì đã có hơn 1.800 hộ trồng chuối trong vườn.
Theo ông Xường tính toán, cứ 4m2 đất có 1 cây chuối, một năm cho thu hoạch một buồng với giá 100 nghìn đồng. Như vậy, dân Nghĩa Khánh mỗi năm thu 250 triệu đồng/ha. Cả xã hiện có 150ha chuối và nguồn thu về mỗi năm là không hề nhỏ. Hình thức bao tiêu chuối ở đây đơn giản, các tư thương luôn đặt cọc tiền cho mạng lưới thu gom, là dân trong xã.
Chuối Nghĩa Khánh nay đã thành thương hiệu “hữu xạ tư nhiên hương”, ổn định đầu ra, và luôn có mặt ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Mẫu mã chuối ở đây đẹp, số quả trên mỗi nải đồng đều, kích cỡ quả vừa phải, rất phù hợp cho việc dâng hương ngày rằm, mồng một và các ngày tế lễ. Chuối xanh để trong môi trường thoáng mát tự nhiên có khi đến cả tháng không hỏng. Khi chín, ruột có màu hồng đào, độ ngọt dịu, mùi thơm quyến rũ. Nhiều tư thương còn dùng hệ thống điện để sấy khô chuối chín, rồi đóng gói hoặc làm mứt.
Nghĩa Khánh đã trở thành một điển hình cả tỉnh Nghệ An về trồng chuối trong vườn hộ. |
Xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn đến nay cũng đã hình thành vùng cây ăn quả tập trung. Đó là cây ổi. Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch xã này cho hay: Đất Nghĩa Sơn trước đây rộng, tuy nhiên sau này hầu hết đất canh tác của dân đều bị thu hồi để làm dự án. Người dân phải đi du canh khắp nơi để thuê đất trồng dưa hấu.
Thế rồi “đi một ngày đàng, học một tràng khôn”, họ thấy trồng cây ổi (ổi lê Đài Loan) cho thu nhập cao. Cũng từ đây, thực hiện chủ trương của xã bỏ cây vườn tạp, các hộ đã đưa cây ổi vào thay thế. Không những ổi được phủ kín trong vườn hộ, mà bất cứ ở nương rẫy nào có đất đầu thừa đuôi thẹo là họ mang giống ổi lê vào trồng.
Theo người dân, giống ổi lê trồng 10 - 12 tháng là cho quả bói, đến năm thứ 2 trở đi năng suất bình quân đạt 35 kg/cây. 1ha trồng 700 cây, với giá bán bình quân tại vườn khoảng 25.000 đồng/kg thì mỗi ha ổi cho thu hoạch 612 triệu đồng/năm. Đến nay, Nghĩa Sơn đã có 100ha ổi đi vào kinh doanh ổn định. Ổi ở đây rất đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng quả thơm ngon, mềm dòn và hạt rất ít, bởi vậy ngày nào cũng có thương lái đến tận vườn dân tự chọn quả thu hái, rồi thanh toán tiền cho chủ.
Cũng tại huyện Nghĩa Đàn, người dân xã Nghĩa Phú, ngoài việc cây bơ đã được phủ kín trong vườn hộ, lãnh đạo địa phương cũng khuyến cáo nông dân phát triển cây bơ trên cả đất nương rẫy đang có cây trồng kém hiệu quả.
Xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến, tiêu thụ
Hiện trạng cây ăn quả ở vùng Phủ Quỳ đã tạo nên vùng hàng hóa tập trung, đạt hiệu quả kinh tế cao, tuy niên chưa xứng với tiềm năng và lợi thế.
Để tạo đà cho việc phát huy lợi thế cây ăn quả của tỉnh, Nghệ An đã có Quyết định 3826/QĐ-UBND ngày 18/10/2021, trong đó mục tiêu phát huy tiềm năng về đất đai, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả có quy mô lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khai thác tiềm năng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Nghệ An sẽ mở rộng thêm 7.198ha cây ăn quả, trong đó Nghĩa Đàn 661ha, Thái Hòa 184ha và Quỳ Hợp 716ha. Diện tích đất mở rộng cây ăn quả chủ yếu được lấy từ diện tích đang trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả và đất rừng sản xuất.
Vùng Phủ Quỳ trở thành vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh Nghệ An. |
UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng thu hút các dự án đầu tư phát triển cây ăn quả; khuyến khích các địa phương xây dựng hệ thống chợ đầu mối, gian hàng giới thiệu sản phẩm, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn tỉnh và các thị trường tiềm năng.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi; đẩy mạnh công tác xây dựng, bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm. Tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để khuyến khích các địa phương tích cực mở rộng phát triển diện tích cây ăn quả, Nghệ An đã ban hành chính sách ưu như tiên phát triển tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất; đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất cây ăn quả.
Đồng thời, mở các lớp tập huấn khuyến nông giúp nông dân có đủ kiến thức về sản xuất cây ăn quả. Tỉnh cũng dành nguồn kinh phí thích hợp để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cơ sở chế biến, bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm cây ăn quả và hỗ trợ xây dự thương hiệu sản phẩm...
Nghệ An có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên những vùng đất giàu tiềm năng vẫn hàng ngày được đánh thức. Vùng Phủ Quỳ với cây trái trĩu vườn đang hình thành quy mô sản xuất lớn, liên kết từ trồng đến tiêu thụ. Hướng đi này giúp cho những vùng cây ăn quả ở Phủ Quỳ trở thành cây làm giàu cho nông dân./.