Chị Ka Hậu thu hoạch cà phê trong vườn trồng xen |
Các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên năm nào cũng rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” nên nhiều người đã mạnh dạn trồng xen nhiều loại cây ăn trái thành cây công nghiệp.
Việc trồng xen trong vườn cà phê được nông dân nhiều nơi thực hiện có hiệu quả nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập, hạn chế rủi ro, góp phần bảo vệ môi trường. Nhiều vườn cà phê sau khi trồng xen sầu riêng, bơ … đã cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng / ha / năm.
Điển hình, anh K’Jáo và vợ là chị Ka Hậu đều xấp xỉ tuổi 30, gia đình nhỏ cư trú tại Thôn 3, xã Tân Thượng, huyện Di Linh. Tân Thượng là xã xa trung tâm, bà con xưa nay sống chủ yếu bằng cây cà phê.
Đất dốc, giá cà phê thất thường, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cà phê cũng như công lao động cao khi vào vụ khiến gia đình anh chị cũng như bà con xung quanh gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi được nhận mảnh đất từ gia đình giao, chủ động lựa chọn cây trồng, anh chị thay đổi, chọn cách làm mới, mang lại thu nhập cao hơn.
Anh K’Jáo chia sẻ quá trình anh chị xây dựng vườn trồng xen sầu riêng - cà phê của gia đình. Anh bảo, hạt cà phê giá cả bấp bênh, đất của gia đình lại là đất đồi, độ dốc khá lớn. Vì vậy, năng suất cà phê cũng không được cao, dù đất khá rộng, 1,5 ha nhưng thu nhập hàng năm chỉ vừa đủ chi phí sinh hoạt.
Nghĩ mãi, anh học theo nhiều nông hộ trong xã, phá bớt cà phê để trồng xen cây sầu riêng. Ban đầu, anh trồng thử mấy chục cây, vừa trồng vừa học cách chăm sóc. Cây yếu, cây chăm sóc không đạt bị chết, anh còn lại 19 cây.
Những cây sầu riêng này đã trưởng thành, cho trái mỗi vụ, mang lại nguồn thu tốt cho gia đình. Như năm 2022 vừa qua, anh bán nguyên vườn 19 cây được 190 triệu đồng, dư chi phí để sinh hoạt trong gia đình, cho con đi học cũng như mua sắm một số vật dụng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng, năm 2017, vợ chồng anh quyết tâm cải tạo hoàn toàn mảnh vườn cà phê già cỗi. Anh chị trục từng gốc cà phê, đào hố, trồng xen trong mảnh vườn 200 cây sầu riêng với cà phê cao sản. Sau 5 năm, cây cà phê cho trái chín mỗi vụ và những cây sầu riêng cũng vừa cho trái bói. Anh tước hết hoa, chỉ để mỗi cây sầu riêng ra 1 - 2 trái “lấy thảo”, chủ yếu để dưỡng cây khỏe mạnh, cho vụ sau ra trái tốt hơn, cây bền sức hơn.
Anh K’Jáo chia sẻ: “Nông dân mình nếu trồng mỗi sầu riêng thì rất khó vì 5 - 6 năm mới cho trái, trong thời gian lâu như thế không có thu nhập cho gia đình. Vì vậy, tôi mới trồng xen sầu riêng và cà phê, cà phê cho thu nhanh, lại làm mát đất cho sầu riêng nhanh lớn. Sau khi sầu riêng trưởng thành, tán rộng đến đâu thì tôi chặt bớt cà phê xung quanh đến đấy”.
Điều làm anh chị K’Jáo - Ka Hậu rất tâm đắc là việc chọn giống sầu riêng phù hợp. Theo anh K’Jáo, nhiều nông hộ khi trồng mới tuyển nhiều giống sầu riêng khác nhau. Riêng vườn của gia đình, anh tuyển thuần giống Monthon.
Anh K’Jáo nhận xét, giống sầu riêng Monthon ít bệnh, dễ chăm sóc, khả năng đậu trái cao hơn các giống sầu riêng khác như Musang King hay Ri6, thích hợp với vùng đất dốc như Tân Thượng. Kinh nghiệm trồng sầu riêng của anh K’Jáo đã giúp anh chăm sóc vườn hiệu quả và năm 2023, anh hy vọng sẽ thu được 300 - 400 triệu từ những cây sầu riêng cho quả vụ 2.
Kinh nghiệm trồng xen canh cho hiệu quả kinh tế cao
Ông Chủy giới thiệu mô hình sầu riêng xen cà phê của gia đình |
Kinh nghiệm trồng sầu riêng khá đơn giản, muốn cây phát triển tốt trước khi trồng cần cắt bớt rễ cọc ở đáy bao, nếu không cắt rễ cây sẽ nằm ngang và chậm phát triển. Mỗi cây thường trồng cách nhau 7 mét.
Cần thường xuyên quan sát các dấu hiệu bệnh và tưới nước cho cây. Trung bình 10 ngày tưới 1 lần, không để khô gốc cây, nếu không cây sẽ sinh trưởng chậm, khi ra hoa, chất lượng quả không cao.
Cà phê là cây ưa bóng, sầu riêng là cây có tán rộng, khi trồng xen sẽ có tác dụng hỗ trợ. Sầu riêng không chỉ giúp che nắng mà còn tận dụng được lượng nước thừa và phân bón để bón cho cây cà phê.
Sầu riêng chỉ cần tỉa cành mỗi năm một lần để cây phát triển.
Khi sầu riêng đậu quả cần thường xuyên kiểm tra quá trình đâm chồi non. Khi cây ra đọt non cần dùng thuốc để hãm nụ. Vì khi chồi non nhú ra sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với trái làm cho trái kém phát triển, còi cọc, chua.
Người trồng cần đặc biệt lưu ý và làm tốt công tác phòng trừ nấm, sâu bệnh, tránh cho quả và lá bị rụng.
Sầu riêng cần được bón thêm phân kali trắng vì đây là loại phân rất thích hợp cho cây trong giai đoạn sinh trưởng. Thời kỳ này thân rễ ra hoa kết trái nhiều, cây khỏe, trái to…
Mỗi năm chia làm 3 lần bón tùy theo giai đoạn phát triển của cây. Trước khi bón thúc cần cuốc xới xung quanh gốc cây, tránh làm đứt rễ hoặc đào rãnh xung quanh dưới gốc cây, sau đó bón phân, vun xới …
Mô hình trồng cà phê xen với sầu riêng là mô hình “2 trong 1” thực sự đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Đây là mô hình thâm canh bền vững đang được nhiều người quan tâm, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có tác dụng che nắng, chắn gió cho vườn cà phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cây.
Điều này không những góp phần vào sự phát triển sản xuất cà phê bền vững, chất lượng tốt, năng suất ổn định mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với thu nhập ổn định và trải đều trong năm giúp bà con nông dân có điều kiện đầu tư, chăm sóc, phát triển các vườn cà phê trong thời gian tới.