Thuốc giả gây khủng hoảng niềm tin vào hệ thống y tế
![]() |
Qua xét nghiệm các loại thuốc đông y giả được thu giữ, phát hiện trong thành phần thuốc có lượng lớn thuốc giảm đau. |
Mới đây, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện trên địa bàn TP.Thanh Hóa và một số địa phương khác có một nhóm đối tượng có dấu hiệu nghi vấn sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.
Tiến hành lập án đấu tranh, chỉ trong một thời gian ngắn tập trung điều tra, lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, làm việc, cất giấu hàng hóa của các đối tượng trên địa bàn TP.Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả.
Ngoài số thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, lực lượng Công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm đối tượng do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu đã cấu kết với nhóm đối tượng của Trịnh Doãn Giáo (SN 1985 trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) là đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xương khớp đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược.
Theo thông tin từ Công an Thanh Hóa, sau khi thu giữ lượng lớn các loại thuốc giả, qua kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu, phát hiện nhóm thuốc đông y giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, nên khi người bệnh uống vào sẽ thấy hết đau ngay, khiến cho người bệnh tin dùng. Riêng nhóm thuốc tây y giả chưa phát hiện dược tính độc hại, nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
Các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả đã mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Theo Luật Dược 2016, thuốc giả là những sản phẩm không có hoạt chất, sai hoạt chất, sai liều lượng hoặc giả mạo nhà sản xuất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp thuốc giả là “vũ khí giết người thầm lặng” tại các quốc gia có hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
Liên quan đến sự việc này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, thuốc kê đơn vốn là loại dược phẩm đòi hỏi chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ nay lại đang bị làm giả với mức độ ngày càng tinh vi tại Việt Nam. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, tạo áp lực cho hệ thống y tế, bóp nghẹt ngành dược phẩm chân chính và làm xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết thêm, sự "hiện diện" của thuốc giả còn gây nên hệ lụy xã hội nghiêm trọng, đó là khủng hoảng niềm tin của người dân vào hệ thống y tế. Người dân có thể mất lòng tin vào chất lượng thuốc, ngay cả thuốc được bác sĩ kê đơn cũng bị nghi ngờ. Các nhà thuốc tư nhân và cả những kênh bán thuốc online cũng khiến người dân dè dặt.
Thậm chí, niềm tin vào bác sĩ, dược sĩ cũng lung lay khi người dân xuất hiện nghi ngờ về sự thiếu trách nhiệm hoặc thông đồng với các bên phân phối thuốc kém chất lượng. Hệ quả là người dân tự ý điều trị, dùng thuốc không rõ nguồn gốc; Khó triển khai các chương trình y tế cộng đồng; Tâm lý bất an lan rộng, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội...
Thuốc giả có thể khiến bệnh nhân tử vong
![]() |
Sự "hiện diện" của thuốc giả còn gây nên hệ lụy xã hội nghiêm trọng, đó là khủng hoảng niềm tin của người dân vào hệ thống y tế. |
Tại sao lại là kê đơn, theo TS.BS Tạ Quang Thành - Hội viên Hội Tim mạch TP. Hà Nội cho biết, thuốc kê đơn là những loại thuốc chỉ được cấp phát và bán lẻ dựa trên đơn thuốc do bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn có Giấy phép hành nghề do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Đặc biệt, thuốc kê đơn thường có tác dụng mạnh hơn thuốc không kê đơn và có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không được sử dụng đúng cách.
Việc sử dụng thuốc kê đơn không đúng cách, không tuân theo chỉ dẫn hoặc có sự kiểm soát của nhân viên y tế có thể dẫn đến tương tác thuốc nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí gây tử vong. Tuy nhiên, các loại thuốc kê đơn hiện đang bị làm giả với mức độ ngày càng tinh vi tại Việt Nam.
Như năm 2024, Công an TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Các sản phẩm thuốc tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh như cefuroxim 500mg, cefixim 200mg, augxicine, panadol extra, panactol dạng vỉ nén, panactol…
TS.BS Tạ Quang Thành cho biết, thuốc tân dược giả gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bởi kể cả thuốc sản xuất chính hãng vẫn có các tác dụng phụ, tuy nhiên bởi đã kiểm soát được do khi kê thuốc, nhân viên y tế đã nhận thức đầy đủ về tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, nên có căn cứ để kê đơn với liều lượng phù hợp khiến tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ giảm xuống. Nhưng với thuốc giả, do không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả nên tác dụng phụ có khả năng xảy ra thường xuyên.
Thuốc giả ở dạng gì, thì kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh đều thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí người bệnh tử vong. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi khi bệnh nhân dùng thuốc mà thuốc giả không chứa thành phần hoạt chất hoặc chứa các chất hóa học khác không có hiệu lực điều trị bệnh, sử dụng thuốc giả đẩy mạnh quá trình phát triển bệnh tật khi cả bác sĩ và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng phân tích, việc lưu hành thuốc giả không chỉ là hành vi phạm pháp, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Trong lĩnh vực y học, hậu quả do thuốc giả gây ra được chia thành hai nhóm: Tác động trực tiếp và gián tiếp. Cả hai đều nguy hiểm và để lại hệ lụy lâu dài.
Cụ thể, hậu quả trực tiếp phổ biến nhất là thất bại trong điều trị. Với những bệnh lý nguy cấp như nhiễm khuẩn nặng, bệnh tim, ung thư… việc dùng phải thuốc giả khiến bệnh nhân bỏ lỡ “thời điểm vàng” để chữa trị, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội sống. Không dừng lại ở đó, nhiều loại thuốc giả chứa tạp chất nguy hiểm có thể gây ngộ độc, tổn thương gan, thận, hệ tim mạch hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng – thậm chí dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, các loại thuốc tiêm hoặc vaccine làm giả trong điều kiện mất vệ sinh có thể gây nhiễm trùng toàn thân. Trên thực tế, nhiều trường hợp tử vong liên quan đến thuốc giả đã được ghi nhận, và hành vi này có thể bị xử lý hình sự ở mức cao nhất – tử hình. Bên cạnh đó, hậu quả gián tiếp của thuốc giả là thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh. Thuốc kháng sinh giả khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn, thúc đẩy khả năng đề kháng kháng sinh khiến việc điều trị trở nên ngày càng khó khăn. Đây được xem là một trong những cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc giả khiến người bệnh tốn thêm thời gian, chi phí và sức lực để điều trị lại, đồng thời làm tăng áp lực lên hệ thống y tế.
Hình phạt cao nhất của tội sản xuất, buôn bán thuốc giả là tử hình Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, căn cứ theo quy định của pháp luật, kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm. Thế nên, hành vi sản xuất thuốc giả là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nói trên thì có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 nêu rõ, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù thấp nhất là 2 năm và cao nhất là tử hình. Thực tế, khung hình phạt việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên các đường dây thuốc giả vẫn tồn tại dai dẳng, đặc biệt trên không gian mạng. Luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, lợi nhuận từ việc sản xuất thuốc giả quá cao, nên mặc dù biết hậu quả nhưng nhiều đối tượng vẫn ngoan cố thực hiện với nhiều hình thức tinh vi. Ngoài ra, xét về khách quan, rào cản lớn không nằm ở khung luật mà ở năng lực thực thi, lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước về dược phẩm. Trước một vụ việc nghiêm trọng như vậy, các cơ quan có thẩm quyền không thể phủi bỏ trách nhiệm mà cần phải làm rõ và nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót trong quản lý và kiểm soát. Vậy nên, để giải quyết vấn đề này, ngoài việc cần nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân, còn cần có giải pháp toàn diện. Khung pháp lý đã có, công nghệ đã sẵn, điều cần lúc này là sự hành động đồng bộ, quyết liệt và bền bỉ. Chỉ khi nào tất cả cùng lên tiếng và hành động, mới có thể từng bước đẩy lùi thuốc giả ra khỏi đời sống, bảo vệ tính mạng và niềm tin xã hội… |