Huyện Quốc Oai có 41 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP Chìa khóa giúp nâng tầm sản phẩm OCOP vươn xa Huyện Thanh Oai tập trung phát triển các sản phẩm OCOP |
Nâng giá trị cho vùng chuyên canh
Nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, thổ nhưỡng của xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) rất phù hợp với việc trồng cây ăn quả. Chuối tiêu hồng trồng ở Nam Sơn không những ngọt mà còn thơm đậm; đu đủ vừa ngọt, vừa có mã đẹp. Từ lợi thế đó, từ năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nam Sơn đã chọn 2 sản phẩm chuối và đu đủ để dự thi đánh giá, phân hạng OCOP và được chứng nhận 4 sao và 3 sao.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nam Sơn Nguyễn Văn Việt cho biết: “Mỗi sào, chúng tôi trồng 65 gốc. Mỗi gốc chuối nếu thu vào dịp Tết có giá 300 - 500 nghìn đồng/buồng; ngày thường cũng bán được 6.000 đồng/kg. Bình quân mỗi buồng chuối khoảng 20 - 25kg, thu được 120 - 125 nghìn đồng. Từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của xã được nâng cấp toàn diện. Hợp tác xã được thành phố hỗ trợ về tem nhãn và xúc tiến thương mại nên thường không đủ hàng để bán”.
Cùng có lợi thế sản xuất nông nghiệp, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) có vùng bãi sông Hồng rộng lớn, là vùng trồng rau trọng điểm của thành phố. Cả xã có 285ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng rau gần 200ha. Ước mỗi năm, từ vùng rau Văn Đức cung cấp khoảng 35.000 tấn rau xanh cho các siêu thị và chợ đầu mối. Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức - Đinh Thị Luyến thông tin, để nâng cao giá trị sản xuất, cách đây ít năm, hợp tác xã đã chọn sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng OCOP và đã có 17 sản phẩm được chứng nhận.
Anh Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Di Trạch bên vườn ổi. |
Bên cạnh đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch (huyện Hoài Đức), năm 2012, hợp tác xã mua giống táo đại của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng trên diện tích gần 6ha. Ngoài ra, hợp tác xã còn trồng hơn 20ha ổi và một số cây ăn quả khác như hồng xiêm, đu đủ. Năm 2021, hợp tác xã đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm ổi và được đánh giá đạt 4 sao. Do được đưa vào hệ thống nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng sạch, nhờ đó lượng tiêu thụ và doanh thu từ ổi tăng lên gấp rưỡi. Năm 2023, hợp tác xã tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm táo đại và được đánh giá đạt 3 sao.
Hay cơ sở sản xuất, kinh doanh miến dong sạch Trung Kiên (thôn Minh Hiệp 1, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức) cũng là một trong những cơ sở sản xuất của huyện chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ để sản xuất miến theo dây chuyền khép kín nên sản phẩm miến của cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm, tiết kiệm được rất nhiều công đoạn sản xuất thủ công trước kia. Từ năm 2020, cơ sở đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm miến dong sạch và đã đạt 4 sao. Sau 3 năm, sản phẩm được đánh giá lại theo quy định và được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Hoài Đức chấm đạt OCOP 4 sao.
Nỗ lực tương xứng với tiềm năng
Chương trình OCOP được triển khai trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, gia tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận của các chủ thể HTX; đồng thời khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Qua đó, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín; tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Hiện, nhiều HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP để đưa hàng hóa vươn ra thị trường góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như người lao động. Các HTX mới thành lập đang dần có định hướng phát triển theo xu hướng công nghệ cao; phát triển đa dạng ngành nghề, mở rộng lĩnh vực hoạt động.
Hà Nội thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua siêu thị. Ảnh: Lê Thắm |
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội, thành phố hiện có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh (QR code). Sau gần 5 năm triển khai chương trình OCOP, Hà Nội đã có 29/30 quận, huyện, thị đánh giá, phân hạng được 2.769 sản phẩm. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2024, các quận, huyện, thị trên địa bàn đã đăng ký đánh giá, phân hạng thêm 510 sản phẩm. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2021 - 2023 đã đánh giá được 1.657 sản phẩm, đạt 82,9% mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
Để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP năm 2024, theo Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Nguyễn Văn Chí: Thành phố tiếp tục tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo để phát triển dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, thành phố khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử.
Đến hết năm 2023, thành phố xây dựng được 10 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn 8 huyện: Phú Xuyên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức và quận Hà Đông. Theo kế hoạch, năm 2024, thành phố công nhận 5 - 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Bên cạnh đó, thành phố đã phát triển được 105 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.