Nhiều cây vải thiều không có hoa. |
Nhiều vườn vải không có quả để thu hoạch
Nhiều vườn vải tại tỉnh Bắc Giang gần như trong tình trạng mất trắng, không có quả để thu hoạch. Cũng vì thế, nhiều chủ vườn “buông xuôi”, bỏ vườn không chăm sóc, mùa vải Bắc Giang cũng vì vậy mà khó càng thêm khó, sản lượng thu hoạch được dự báo thấp nhất trong lịch sử.
Ông Lân ở Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) buồn rầu nói: ““Cây vải toàn lá, chẳng thấy quả đâu”.
Gia đình ông Lân trồng vải thiều từ năm 1995 đến nay. Suốt mấy chục năm qua, vụ nào cũng được mùa. Với diện tích 1,5ha, những năm gần đây sản lượng luôn ổn định trên dưới 40 tấn quả, trong đó chủ yếu là vải thiều chín muộn (vải chính vụ).
Nhờ vậy, có năm ông thu được hàng tỷ đồng từ quả vải thiều tươi. Năm ngoái, vải được mùa nhưng giá rẻ, doanh thu vẫn đạt trên 500 triệu đồng.
Còn vụ này, chỉ giống u hồng có trái và khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 2 tấn. Giống vải Thanh Hà, vải chín muộn thì không thấy trái đâu, cây toàn lá.
Theo ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, diện tích cả vải thiều sớm, vải thiều chính vụ năm nay ra hoa khoảng 14.000 - 14.500 ha trên tổng diện tích 29.000 ha vải của Bắc Giang. Tỉnh này vẫn duy trì 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu. "Sản lượng năm nay ước tính sụt giảm 50% so với năm 2023, đạt trên dưới 100.000 tấn vải", ông Thi nói.
Nguyên nhân khiến "thủ phủ" vải Bắc Giang mất mùa, theo nhiều hộ nông dân trồng vải tại H.Lục Ngạn, chủ yếu bởi thời tiết không thuận lợi với sinh trưởng của cây vải.
"Theo quy luật, sau khi được mùa 3 - 4 năm, sức khỏe cây trồng kém đi, "một năm ăn quả, một năm trả cành", trong khi vải thiều Bắc Giang liên tiếp được mùa từ năm 2020 đến nay. Bên cạnh đó, mùa đông năm nay có rét nhưng rét muộn, nhiệt độ trung bình trong mùa đông cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,5 độ C. Rét sớm vải mới phân hóa được mầm hoa, rét muộn đã qua giai đoạn đó", ông Thi lý giải.
Đáng chú ý, theo phản ánh của nhiều hộ trồng vải ở Lục Ngạn, năm nay diện tích trồng vải thiều chính vụ bị ảnh hưởng nặng nhất, hầu hết không ra hoa. Ở góc độ này, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang phân tích: "Mỗi chà vải có phản ứng với điều kiện thời tiết lạnh khác nhau. Ví dụ, các loại vải sớm như u hồng, u trứng, một số giống vải khác… phản ứng không chặt chẽ như vải chính vụ. Vải chính vụ phản ứng với cái lạnh rất chặt chẽ, rõ ràng, tức là mùa đông phải đủ lạnh và lạnh phải đúng thời điểm mới phân hóa được mầm hoa".
Đảm bảo chất lượng quả vải xuất khẩu
Mặc dù năm nay sản lượng có thể ít nhưng vẫn phải đảm bảo tất cả quả vải xuất khẩu đều đạt chất lượng. |
Chia sẻ về nguồn thu từ trồng vải, ông Ngô Văn Liên (trú thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, H.Lục Ngạn, Bắc Giang) cho hay, với 2 ha trồng vải, mức đầu tư từ sau khi bẻ quả vụ trước đến nay khoảng 20 triệu đồng, chủ yếu là phân bón và thuốc trừ sâu. Như vậy, vụ năm nay gần như đầu tư bao nhiêu, mất trắng bấy nhiêu.
"Từ đầu vụ đến nay, khá nhiều đối tác gọi điện đặt hàng nhưng tôi cũng chỉ hứa hẹn tạm, không ký hợp đồng, chủ yếu là các doanh nghiệp đặt hàng xuất khẩu đi châu Âu. Nay vải mất mùa, khả năng tiêu thụ nội địa còn không đủ. Năm ngoái, lợi nhuận gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng, năm nay thì không dám tính đếm gì", ông Liên nói.
Ông Liên thông tin thêm, trong thôn cũng thành lập nhóm liên kết sản xuất gồm khoảng 15 thành viên, tổng diện tích trồng vải của các thành viên khoảng 50 ha. Vải mất mùa, bên cạnh tập trung chăm sóc diện tích vải có hoa, các thành viên trong nhóm liên kết dồn lực tập trung chăm sóc diện tích 20 ha trồng bưởi.
“Trong số vải xuất khẩu, phần lớn được xuất sang Trung Quốc, còn lại được xuất khẩu tới 38 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Trong đó, xuất sang nhật hơn 1.000 tấn. Còn các nước EU đi theo đường hàng hàng không, chi phí vận chuyển đẩy giá quả vải lên cao, các công ty kết nối với đối tác có đơn sẵn rồi mới giao hàng. Vì thế có những nơi chỉ xuất khẩu được vài tấn”, ông Đức nói.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, năm 2024, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất 223 mã số vùng trồng vải thiều, diện tích 17.198 ha phục vụ xuất khẩu, sản lượng ước đạt 34.000 tấn xuất đi các thị trường.
“Từ đầu vụ đến nay, Sở đã tổ chức 8 buổi làm việc với các doanh nghiệp tham gia khảo sát các vùng sản xuất, chuẩn bị các điều kiện về sơ chế đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Canada, Úc, Eu, Nhật Bản, Thái Lan... Đến nay đã có 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân”, Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay đã có các doanh nghiệp tới ký hợp đồng với người dân, cam kết thu mua sản phẩm, các doanh nghiệp này sẽ tự thực hiện đóng gói theo tiêu chuẩn của mình.
“Mặc dù năm nay sản lượng có thể ít nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo tất cả quả vải xuất khẩu đều đạt chất lượng. Thực tế, lượng vải xuất khẩu giảm mạnh sẽ ở thị trường Trung Quốc do quốc gia này thu mua số lượng lớn chiếm tới 90% sản lượng xuất khẩu, các nước khác số lượng xuất khẩu ít nên vẫn có thể đảm bảo sản lượng không bị giảm quá nhiều. Chất lượng quả vải vẫn phải như mọi năm thì mới có thể xuất khẩu được”, ông Tặng nhận định.
Trước thực tế trên, lãnh đạo Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết đang hỗ trợ bà con tập trung thâm canh diện tích có hoa để nâng cao chất lượng; quản lý tốt mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu và thu về giá trị gia tăng hơn.
"Cùng với đó, chăm sóc diện tích không có hoa để đảm bảo năng suất cho năm sau, "chứ không phải không có hoa là buông" - ông Thi nhấn mạnh.