Theo đó, trong văn bản hỏa tốc số 1584/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan Lào Cai, đồng thời gửi các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo chi cục hải quan, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị này hướng dẫn doanh nghiệp khai báo rõ mục đích xuất khẩu đối với mặt hàng tinh dầu quế khi thực hiện xuất khẩu để tháo gỡ vướng mắc thông quan mặt hàng này.
Theo văn bản, trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định của pháp luật dược.
Trường hợp doanh nghiệp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định.
Trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị làm rõ chính sách quản lý đối với mặt hàng tinh dầu xuất khẩu có tính lưỡng dụng (có thể sử dụng làm nguyên liệu làm thuốc hoặc mục đích khác).
Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 35/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu. |
Theo Tổng cục Hải quan, mặt hàng “tinh dầu quế” là các mặt hàng thuộc danh mục dược liệu ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế (chưa được bãi bỏ tại Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021 của Bộ Y tế).
Tại Điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BYT quy định: trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược (nguyên tắc này không được quy định tại Thông tư 48/2018/TT-BYT).
Như vậy, căn cứ các quy định trên thì các mặt hàng thuộc danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT thì quản lý theo pháp luật dược, các mặt hàng thuộc danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 03/2021/TT-BYT thì quản lý theo mục đích (dược hoặc các lĩnh vực khác liên quan, cụ thể là mặt hàng thuộc Thông tư số 03/2021/TT-BYT nếu khai báo mục đích làm dược liệu thì vẫn quản lý theo pháp luật về dược).
Cây quế là cây trồng chủ lực giảm nghèo ở nhiều địa phương |
Để cơ quan Hải quan, doanh nghiệp thống nhất thực hiện, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về vấn đề trên, đảm bảo việc thực thi đúng quy định của pháp luật.
Trước mắt, để tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu đối với mặt hàng tinh dầu quế, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện.
Trước đó, theo ghi nhận, hàng trăm tấn tinh dầu quế đã không thể xuất khẩu từ cuối năm 2023 đến nay, khiến ngành sản xuất tinh dầu quế gặp khó.
Cây quế là cây trồng chủ lực giảm nghèo ở nhiều địa phương. Ngành trồng quế nhiều năm qua đã phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm trong quá trình sản xuất và tinh dầu quế là một trong những sản phẩm tận thu từ quá trình trồng trọt. Dù là cây xóa nghèo nhưng người dân lại có nguy cơ tái nghèo vì những quy định chưa phù hợp.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2018, giá quế ở mức cao nên nông dân bắt đầu mở rộng trồng quế, vì vậy, diện tích quế Việt Nam đang tăng lên và đến năm 2023 ước đạt 180 ngàn ha. Sản lượng quế năm 2023 khoảng 70 nghìn tấn. Trong năm qua, Việt Nam xuất khẩu được 89 nghìn tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022. Ngoài vỏ quế, nhiều cơ sở đang sản xuất tinh dầu quế từ quế vụn, quế cành và lá quế để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng tinh dầu quế mỗi năm ở Yên Bái hiện khoảng 600 tấn, ở Lào Cai khoảng 450 tấn/năm. Tinh dầu quế Việt Nam hiện được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ … |
Gỡ vướng cho xuất khẩu tinh dầu quế |
Cây quế Việt Nam trên lộ trình khẳng định thương hiệu |
Trồng cây rừng tỏa hương thơm quý từ rễ đến lá, xã vùng cao thu tiền tỷ mỗi héc ta |